Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Cách bài trí bàn thờ nhà thờ họ và văn khấn ở nhà thờ họ

Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của người Việt, là nơi thờ tự, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của con cháu đối với tổ tiên, đồng thời tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững của dòng họ.

Giá trị văn hóa, tinh thần gợi nhắc về cội nguồn luôn là những điều tự hào nhất đại diện cho phong tục tập quán của con người Việt Nam. Nhà thờ họ, nhà thờ chi họ hay nhà thờ gia đình đều thể hiện được giá trị to lớn về nét đẹp tâm linh. Đây cũng là những không gian trang trọng, thiêng liêng để những người con, người cháu thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến thế hệ đi trước. Cùng Âm Lịch tìm hiêu cấu trúc ban thờ và văn khấn ở nhà thờ họ qua bài viết dưới đây nhé.

1. Nhà thờ họ và nhà thờ chi họ – giống và khác nhau

Nhà thờ họ hay nhà thờ chi họ có điểm chung đều là những nơi thờ phụng những vị tổ tiên trong dòng họ tính theo phụ hệ, phổ biến trong văn hóa của người Việt vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên nhà thờ họ hay còn gọi là nhà thờ Tổ, nhà từ đường là ngôi nhà thờ do tất cả con cháu của dòng họ đóng góp, xây dựng nên để thờ vị Thủy Tổ chung của cả dòng họ như nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ họ Lê, nhà thờ họ Phạm, nhà thờ họ Trần... Hàng năm, vào ngày giỗ Tổ dòng họ, con cháu của dòng họ lại tề tựu về giỗ Tổ, đây là dịp hội họp lớn nhất của tộc họ. Nhà thờ họ này thường được xây dựng ở mảnh đất của người trưởng nam trong dòng họ, nơi giữ gia phả gốc, còn được gọi là nhà thờ đại tôn.

Còn nhà thờ chi họ là một ngôi nhà thờ được lập ra để thờ cúng vị Tổ của từng chi họ riêng, còn được gọi là bản chi từ đường. Những dòng họ lớn thường sẽ chia thành nhiều chi khác nhau như chi họ Nguyễn Hữu, chi họ Nguyễn Văn, chi họ Nguyễn Đình..., mỗi chi này ngoài việc tham gia giỗ Tổ toàn họ thì còn có thể lập riêng nhà thờ cho chi họ của mình để thờ cúng riêng từ đời ông tổ chi trưởng, còn gọi là cửa họ.

2. Cách bài trí bàn thờ nhà thờ họ

2.1 Trong Từ đường nên lập bao nhiêu bát hương và thần chủ?

Thần chủ và Bát hương thờ thần linh: Dù là nhà thờ của một họ tộc, thì theo quan niệm người Việt “đất có Thổ công, sông có Hà Bá” muốn gia tiên được phép về thăm hậu thế, nhận hưởng lòng thành cháu con dâng hiến, đêm trước ngày giỗ tổ phải dâng lễ trai đàn (lễ chay chỉ có hương, đăng, hoa, quả, nước) cầu xin Trời Đất Thần Thánh cho phép gia tiên được về. Bởi vậy bát hương đầu tiên kể đến phải là bát thờ thần linh.

Thần chủ và Bát hương thờ thủy tổ: Đời thứ nhất của một dòng họ, được tôn vinh là thủy tổ

  • Thần chủ và Bát hương thờ tiên tổ: từ đời thứ hai cho đến vị thân sinh của cao tổ khảo được tôn vinh là tiên tổ.
  • Thần chủ và Bát hương thờ các vị cao tổ không có cháu con thờ tự (các vị cao tổ có cháu con đề huề, theo phân cấp được thờ tại các chi tộc).
  • Thần chủ và bát hương thờ bà cô ông mãnh: Bà cô ông mãnh là người chết trẻ, người chưa lập gia đình một mình thân cô thế cô. Vì không có công duy trì hậu duệ nòi giống, nên theo quan niệm phong kiến thì không được coi là người lớn, dù là già mới mất cũng vậy. Vì không được làm người lớn, nên không được phép chung bát hương với các bậc tiên tổ khác. Tuy nhiên theo quan niệm duy tâm thì bà cô ông mãnh thường rất linh thiêng, nên được tổ chức thờ riêng trong một bát hương, vị trí để thấp hơn các bậc tiên tổ khác, thường là thấp nhất trên hương án 
  • Bát hương cô hồn: thờ phụng các vong hồn của họ tộc do vắn số yểu mệnh, vong hồn thất lạc không nắm được tên tuổi rõ ràng, không người hương khói (bát này thờ ngoài hiên không thờ trong từ đường chính).

Tương ứng với bát hương là vị trí để bày hương án: Có nhiều phương pháp bài trí từ đường. Nguyên tắc chung là Linh điện cao nhất

  •    Linh điện: được đặt tách riêng ở vị trí bên trái từ đường, cao hơn Thượng điện một chút.
  •    Điện thờ gia tộc: ngụ ở trung ương Từ đường gia tộc, thường có tam cấp hương án: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện;
  •    Vong điện: Một điện thờ vong ở ngoài hiên (hoặc lập riêng một miếu nhỏ bên phải, phía ngoài nhà từ đường)

2.2 Cách bày trí Thần chủ và bát hương 

Cách bày trí Thần chủ và bát hương như sau:

  • Thần chủ và Bát hương thờ thần linh: đặt ở Linh điện
  • Thần chủ và Bát hương thờ thủy tổ: đặt ở Thượng điện
  • Thần chủ và Bát hương thờ tiên tổ: đặt ở vị trí Trung điện
  • Thần chủ và Bát hương thờ các vị cao tổ: đặt ở vị trí hạ điện
  • Bát hương cô hồn (của dòng họ): đặt ở vị trí vong điện (ngoài sân)

Cách ghi Thần chủ (hay còn gọi là linh vị / bài vị):

Mỗi cấp bậc chỉ nên có một Thần chủ và một bát hương chung, không nên rườm rà mỗi người một bát, khiến cho hương khói trở nên nghi ngút quá mà vẫn thiếu sót, có vị không có bát hương, hoặc có nhưng không còn chỗ đặt bát hương...

  • Thần chủ Thủy tổ ghi: Nguyễn Trọng/ Lê Văn/ Bùi Huy vv..Thủy tổ linh vị. (ghi vắn tắt tiểu sử bằng chữ nhỏ hơn tại phần dưới linh vị);
  • Thần chủ Tiên tổ ghi: Nguyễn Trọng/ Lê Văn/ Bùi Huy vv...Tiên tổ linh vị và kèm theo hai tấm biển liệt kê danh sách các vị tiên tổ (nội dung như hướng dẫn ở cách lập danh sách) dựng hai bên Trung điện (nam bên trái, nữ bên phải). Trường hợp danh sách các vị tiên tổ quá dài không dựng biển được thì viết thành tập sách rồi thiết kế hai cây giá treo bằng gỗ hoặc đồng, treo danh sách lên hai bên. Khi có bổ sung thế hệ tiên tổ mới, chỉ việc hạ tập xuống ghi bổ sung thêm càng tiện (chú ý: Thủy tổ thì có một vị thôi, nhưng tiên tổ thì khá nhiều vị, do đó khi bài trí điện thờ, Trung điện luôn luôn phải xây dựng rộng hơn cả bề ngang và bề dài mới đủ để bày trí).

  • Các vị cao tổ của các chi họ, khi được quy tiên, con cháu trong chi họ đó làm lễ cẩn cáo từ đường, rồi rước linh vị và bát hương sang để ở vị trí Hạ điện một năm.  Sau một năm thì rút ba chân hương và hớt một chút tro cốt từ bát hương của vị cao tổ đó để vào bát hương chung của các vị tiên tổ ở Trung điện, coi như đã được thăng tiên. Bát hương cũ đem bỏ bằng cách đập bể rồi thả trôi sông, hoặc chôn sâu xuống lòng đất.
  • Các vị đích tôn kế ngôi trưởng tộc, dù chưa được quy tiên, khi chết vẫn được thờ chung tại Hạ điện trong từ đường. Điều này cũng có nghĩa rằng, trong nhà trưởng tộc vẫn phải có bàn thờ riêng để thờ những người còn lại ngoài các vị đích tôn thế tự.

2.3 Lập danh sách các vị liệt tông liệt tổ như thế nào?

Để có thể làm lễ cầu siêu, phải có tờ ghi danh sách các vị liệt tông liệt tổ để xướng tên trong văn tế và hỏa thiêu sau khi hoàn tất tế lễ. Nguyên tắc lập cần ghi như sau:

  • Đời thứ và Ngôi vị (thủy tổ hay tiên tổ) và Tiền hương trung/thượng kỳ lão và  chức quan (nếu có) à tên tuổi và ngày húy và Phần mộ an táng tại (chỉ ghi khi lập danh sách cầu siêu, còn khi đọc văn hiệu triệu thì không ghi phần mộ an táng).

Chi tiết cụ thể theo mẫu ghi sau:

Các bậc Thủy tổ:

  • Thủy tổ ghi: Nhất thế (đời thứ nhất) Thuỷ Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ (trên 70 tuổi) / trung kỳ (từ 60-70) lão, và chức vụ xã hội nếu có...và (họ của vị thủy tổ)... và mạnh công tự (tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)...và thụy chất trực phủ quân;

Ví dụ: vị tổ khảo của dòng họ Nguyễn có tên là Nguyễn B, thì được ghi:

Nhất thế Thủy Tổ Khảo Tiền hương thượng kỳ lão, kiêm Thập lý hầu Nguyễn mạnh công tự B thụy chất trực phủ quân.Phần mộ hiện nay an táng tại nghĩa trang dòng tộc, tại Hà Tĩnh tỉnh, Đức thọ thị trấn.

  • Thủy tổ phu nhân ghi: Nhất thế Thuỷ Tổ tỉ y phu chức ... (họ của vị phu quân của thủy tổ bà) ... mạnh công chính thất (nếu vợ thứ thì ghi là á thất) ... (họ tên của vị Thủy tổ bà) ...từ thuận (nếu vợ thứ thì ghi là trinh thuận) nhũ nhân;

Các bậc tiên tổ:

  • Tiên tổ khảo ghi: Nhị thế (đời thứ hai)/ tam thế (đời thứ ba)/vv... Tiên Đại Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ / trung kỳ lão ...(họ của vị thủy tổ) ...mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) tự...(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)...thụy chất trực phủ quân;
  • Tiên tổ tỉ ghi: Nhị thế / Tam thế... Tiên Đại Tổ tỉ y phu chức ...(họ của vị thủy tổ) mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) chính thất (á thất)...(họ tên của vị Thủy tổ bà)...từ thuận (trinh thuận) nhũ nhân;
  • Tiên tổ cô (em gái, chị gái của của tiên tổ khảo, người không lập gia đình, khi chết được thờ phụng trong từ đường và được tôn là tiên tổ cô) ghi:   Nhị thế/Tam thế/vv... Tiên tổ cô ... Nguyễn thị/ Trần thị/ Lê thị nhất nương (hay nhị nương/tam nương/vv... – ngôi thứ sinh thành) ...(tên và tên đệm của thủy tổ cô)...thần vị;
  • Đường thúc tiên tổ (em trai của Tiên Tổ Khảo) ghi: Nhị thế/tam thế/vv... Đường thúc tiên tổ Tiền hương trung kỳ lão ...(họ của vị thủy tổ) ...mạnh công tự...(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)...thụy chất trực phủ quân;
  • Dòng cuối cùng của việc lập danh sách: không phải gia tộc nào cũng tập hợp được hết một cách đầy đủ tên tuổi các vị liệt tông liệt tổ, bởi từ nhiều lý do như: chiến tranh loạn lạc, lũ lụt, đói kém vv... khiến cho phải tha hương, chết không quê quán, không người hương khói. Muốn cho trọn đạo nghĩa, không bỏ sót các vị liệt tiền liệt tổ trong thờ phụng, khi lập danh sách, hay lập sớ khấn, luôn luôn nhớ phải ghi câu sau đây vào các sớ cúng:

Cùng toàn thể các liệt vị Tổ phúc, Tổ kỳ, bất kỳ danh hiệu mà hậu duệ sơ sót chưa có cơ hội nhận biết dung nhan, chưa cập nhật đầy đủ húy danh, cúi xin bỏ quá lỗi lầm, theo thứ tự ngôi vị tọa bàn, mời tất cả cùng về đây sum vầy hưởng thụ.

 Ghi chú:

  • Con cả: ghi tên đệm là mạnh công
  • Con thứ: ghi tên đệm là trọng công
  • Con út: ghi tên đệm là quý công
  • Tuổi từ 50 - 70 ghi là : tiền hương trung kỳ lão
  • Tuổi từ 70 trở lên ghi là : Tiền hương thượng kỳ lão
  • Dưới tuổi 50 không ghi câu này

2.4 Tế tổ gồm có ba nội dung cơ bản

  • Một là: Tế Trời – Đất – Thần – Thánh , trước là để yết cáo các chư vị thần linh xin phép cho gia tiên được về hưởng lộc con cháu; sau là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ...;
  • Hai là: Tế cầu siêu độ cho vong linh người đã khuất. Trong nội dung này có hai nội dung nhỏ là cầu siêu cho gia tiên có tên tuổi chính quy; và cầu siêu cho các vong hồn yểu mệnh, vong hồn thất lạc, không người thờ phụng của gia tộc;
  • Ba là: Tế cầu an giải hạn cho người dương thế.

Trình tự cúng lễ:

  • Yết lễ: (lễ yết cáo thần linh, yết cáo tổ tiên): Đêm hôm trước tộc trưởng phải dâng lễ cầu xin Hoàng thiên Hậu thổ, Thành hoàng bản xứ, thổ công hà bá cho phép gia tiên được về; đồng thời yết cáo Tổ tiên xin phép được tổ chức sự kiện vào ngày hôm sau.
  • Tế lễ: Ngày hôm sau con cháu họ tộc tụ hội làm lễ cúng tổ tiên
  • Cầu an và cầu siêu: Đến đêm thì dâng lễ trai đàn ngoài trời cầu siêu độ cho vong linh tiên tổ và cầu an giải hạn cho toàn thể mọi người trong gia tộc.

Ghi chú:

  • Phần lễ cầu siêu độ vong linh bây giờ con cháu các dòng họ thường ủy nhiệm cho thầy chùa theo kiểu tùy nghi di tản, gia đình nào lo gia đình đó, thành ra lễ ở nhà thờ họ thực chất mới chỉ có phần giỗ chứ đa phần là thiếu mất phần tế;
  • Tế lễ và Yết lễ là hai nội dung khác nhau, yết lễ thực chất chỉ là cây hương bát nước để báo cáo xin phép hành lễ chính thức ngày hôm sau; còn Tế lễ là lễ cúng tổ tiên và lễ cầu siêu độ cho vong hồn người chết và cầu an cho người sống, lễ này phải làm vào ban đêm và làm ngoài trời;
  • Việc dâng sao giải hạn cũng có thể kết hợp tổ chức tại Từ đường chung cho tất cả mọi người trong họ tộc (chứ không nhất thiết phải lên chùa). Tuy nhiên việc dâng sao phải có sự chuẩn bị trước từ các gia đình (cụ thể xem ở mục cầu an).

2.5 Bày trí mâm cỗ

  • Linh điện: chỉ có hương, đèn, hoa, quả, nước
  • Thượng điện – Trung điện – Hạ điện:

Trên hương án thì bày hương, đăng, hoa, quả, xôi, chè, trà, rượu, tiền vàng, trầu cau;

Phía trước điện thờ bày ba cái bàn, ý nghĩa tương ứng với ba cấp thượng – trung – hạ trên điện thờ. Do đó thượng bàn phải kê cao hơn trung bàn một chút, trung bàn phải kê cao hơn hạ bàn một chút. Trên bàn bày ba mâm cỗ mặn, trong mâm tổng cộng có 9 món tính cả cơm xôi. Trong đó 5 món bày trên đĩa, 4 món bày trong bát. Màu sắc món ăn phải hội tụ đủ ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành (vàng – trắng – đen – xanh – đỏ);

  • Vong điện: cũng có một mâm cỗ đủ mặn, ngọt, thêm gạo muối, tiền vàng, bánh kẹo, âm binh xanh đỏ đủ màu.

3. Vì sao phải về thăm từ đường, nhà thờ họ?

Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của người Việt, là nơi thờ tự, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của con cháu đối với tổ tiên, đồng thời tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững của dòng họ.

Mặt khác, nhà thờ họ còn mang ý nghĩa như một bảo tàng (là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn của một dòng họ như di vật của tổ tiên, gia phả, văn tự cổ, những sắc phong, tượng thờ, bài vị, những điển tích về dòng họ...), một nhà văn hóa (nơi nói truyện về truyền thống dòng họ, những gương sáng, những nết tốt, những thành tích xuất sắc cần khuyến khích học tập và noi theo...), một hội trường (nơi gặp gỡ để bàn việc họ).

Với ý nghĩa sâu sắc đó, từ đường, nhà thờ họ luôn là nơi để con cháu hướng về. Khi về với nhà thờ họ, ai ai cũng chỉ có một lòng thành kính hướng về tổ tiên, không phân biệt địa vị, giàu nghèo, dù công danh thành đạt hay chỉ là một thường dân nghèo khó.

4. Văn khấn ở nhà thờ họ

Nam mô Nhật Nguyệt Quang Minh Phật

Nam mô Địa Vương Mẫu Phật

Nam mô Ta bà Giáo chủ Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam mô Mười phương chư Phật, Chư Phật mười phương

Nam mô Chư vị Bồ Tát

Kính lạy: Hội đồng Thánh Mẫu

Kính lạy: Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kính lạy: Chư Tiên, Chư Thánh, Chư Thần

Kính lạy: Thổ Thần, Thần Linh, Thổ Địa, Táo Phủ Thần Quân, Ngũ phương Địa mạch,Tiếp dẫn Tài Thần, Tiếp dẫn Lộc Thần, Tiền Hậu địa chủ, Chúa Bà bản cảnh, các tiểu Thần trong khu vực.

Kính lạy: Cửu huyền Thất Tổ, Thất Tổ Cửu Huyền.

Cao Cao tằng Tổ khảo, Cao Cao tằng Tổ tỷ, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Hiền khảo, Hiền tỷ, Bá, Thúc, Đệ, Huynh, Cô, Dì, Tỷ, Muội.

Cộng đồng nội - ngoại Gia tiên dòng họ ...

Kính lạy: Chầu Tổ Cô, Hoàng Tổ Mãnh, Bà Cô, Ông Mãnh dòng họ...

Hôm nay là Ngày... Tháng... Năm...

Con tên là:

Đang cư ngụ tại địa chỉ:

Đại diện cho con cháu dòng họ ...

Xin kính dâng lễ vật, cầu xin bề trên chấp lễ chấp bái.

Chúng con cầu xin các vị Gia tiên Tiền Tổ dòng họ... độ trì dạy bảo dẫn dắt cho tất cả con cháu trong dòng họ để mọi gia đình trong dòng họ ...: Già được mạnh khỏe, trẻ được bình an. Con cháu hiếu thảo với Ông Bà Cha Mẹ.

Chúng con cầu xin, gia tiên tiền tổ độ trì để toàn thể con cháu trong dòng họ: Cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu sức khỏe được sức khỏe, cầu tiến tới được tiến tới, cầu con được con, cầu cháu được cháu. Để cho toàn bộ dòng họ chúng ta ngày càng đông đúc, phú quí, giàu sang, nhà cửa khang trang, hiển vinh mãi mãi.

Chúng con xin hứa: Luôn luôn ghi lòng tạc dạ công ơn sinh thành dưỡng dục của Tổ tiên. Giữ vững được truyền thống nội ngoại thương yêu, đoàn kết, sống có tôn ti trật tự trên kính dưới nhường. Phát huy được truyền thống vẻ vang, cần cù lao động, siêng năng học tập của cha ông tiên tổ.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Tử vi tuổi Dần năm 2018 (Tạo lúc: )
  2. Tử vi tuổi Dậu năm 2018 (Tạo lúc: )
  3. Tử vi tuổi Hợi năm 2018 (Tạo lúc: )
  4. Tử vi tuổi Mão năm 2018 (Tạo lúc: )
  5. Tử vi tuổi Mùi năm 2018 (Tạo lúc: )
  6. Tử vi tuổi Ngọ năm 2018 (Tạo lúc: )
  7. Tử vi tuổi Sửu năm 2018 (Tạo lúc: )
  8. Tử vi tuổi Thân năm 2018 (Tạo lúc: )
  9. Tư vi tuổi Thìn năm 2018 (Tạo lúc: )
  10. Tử vi tuổi Tuất năm 2018 (Tạo lúc: )

Danh mục