Cúng ông Công ông Táo năm 2023: Lễ vật, Văn Khấn, Nghi thức
Văn khấn ông Công ông Táo, lễ vật cúng, nghi thức, thời gian thực hiện lễ cúng vào ngày 23 tháng Chạp (Âm Lịch) sẽ được cung cấp trong bài viết. Mời quý bạn đón đọc!
Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào năm Quý Mão 2023?
Ngày ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp (Âm lịch) hằng năm. Theo Dương Lịch thì năm 2023, ngày ông Công ông Táo sẽ rơi vào Thứ Ba - Ngày 25 tháng 1
Quý bạn có thể tra cứu chính xác hơn tại chức năng: Lịch 2023.
Cúng ông Công ông Táo - Ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch năm 2022)
Sắm lễ vật cúng ông Công ông Táo
Cúng ông công ông táo cần những gì? Lễ cúng ông Công ông Táo gồm có những lễ vật không thể thiếu đó là:
Bộ ông Công ông Táo
Bộ ông Công ông Táo là một trong những lễ vật quan trọng trong ngày cúng 23 tháng Chạp hàng năm. Một bộ đầy đủ sẽ gồm có:
- 3 chiếc mũ: Có 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho Táo ông sẽ có 2 cánh chuồn, còn mũ dành cho Táo bà sẽ không có cánh chuồn.
- 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy.
Màu sắc của bộ ông Công ông Táo sẽ thay đổi sao cho phù hợp với ngũ hành của năm. Ví dụ năm hành Kim thì bộ màu vàng chủ đạo, năm hành hỏa thì bộ có màu đỏ chủ đạo.
Ngoài ra còn có cá chép giấy, vì dân gian quan niệm rằng cá chép là phương tiện để đưa Táo Quân về chầu trời. Nhưng ở miền Bắc mọi người thường cúng cá chép sống, còn ở miền Nam thì thường dùng cá chép giấy.
Vàng mã
Vàng mã là lễ vật người Việt thường dâng lên tổ tiên, thần linh khi thực hiện nghi thức cúng. Vàng mã cúng ông Công ông Táo các loại tiền âm phủ, giống với những lễ cúng khác.
Cá chép
Như đã nói ở trên, người Việt quan niệm rằng cá chép là phương tiện để đưa ông Công ông Táo về chầu trời. Chính vì vậy, cá chép là lễ vật không thể thiếu trong ngày này. Nhưng tùy nơi mọi người sẽ cúng theo cách khác nhau. Chẳng hạn như ở miền Bắc, mọi người thường cúng cá chép sống, sau đó thả ở sông ngòi. Còn ở miền Nam thì mọi người có xu hướng cúng cá chép giấy.
Món ngon
Bên cạnh những lễ vật cần thiết như bộ ông Công ông Táo, cá chép, tiền vàng, mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp cũng rất quan trọng. Những món ngon bạn có thể tham khảo như:
- Thịt lợn luộc, hoặc thịt gà luộc ngậm hoa hồng
- Canh mọc hoặc canh măng, canh xương hầm
- 1 Đĩa xào thập cẩm
- Tôm hấp hoặc tôm chiên.
- 1 Đĩa giò
- 1 Đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- Rượu, trà sen
- Chè kho
- ....
Lưu ý rằng trên đây chỉ là những món ngon mà Vansu.net gợi ý để quý bạn có thể lựa chọn. Không nhất thiết cần phải có đầy đủ tất cả, điều quan trọng nhất khi thực hiện nghi thức cúng chính là lòng thành tâm, tin vào những điều tốt đẹp, tích cực.
Hoa
Hoa để trên bàn thờ ngày ông Công ông Táo thường là hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền,... Phổ biến nhất là hoa cúc.
Trái cây
Trái cây thì quý bạn có thể lựa chọn linh động, hoa quả tươi ví dụ như chuối, bưởi, táo, nho, cam, quýt, xoài,...
Ngoài ra cũng không thể thiếu cau trầu.
Tham khảo các mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Dưới đây là một số mâm cỗ cúng ông Công ông Táo và cách bày trí mà Vansu.net đã sưu tầm, mời quý bạn đọc tham khảo:
Nghi thức các bước cúng ông Công ông Táo
Nghi thức cúng ông Công ông Táo khá đơn giản, diễn ra theo các bước sau:
- Bước 1: Lau dọn bàn thờ
- Bước 2: Chuẩn bị lễ vật đầy đủ (như hướng dẫn ở trên)
- Bước 3: Đọc văn khấn cúng ông Công ông Táo
- Bước 4: Chờ hương tàn rồi đi hóa tiền vàng
- Bước 5: Phóng sinh cá chép
Thời điểm cúng ông Công ông Táo
Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào là thắc mắc của rất nhiều quý bạn đọc. Vì dân gian quan niệm rằng nếu cúng sai ngày, hoặc cúng muộn thì có thể Táo Quân sẽ về chầu và không nhận được đồ cúng nữa.
Chính vì vậy, nên cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp (Âm Lịch). Mọi người thường chọn cúng từ hôm 22 tháng Chạp, vào giờ Ngọ (11h - 13h).
Vậy "cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 có được không?" - Câu hỏi này đã có lời giải đáp. Quý bạn hoàn toàn có thể cúng trước ngày 23 khoảng 1-2 ngày, tức là cúng ông Công ông Táo sẽ bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp (Âm Lịch).
Cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo truyền thống, việc cúng ông Công ông Táo sẽ được thực hiện trên bàn thờ phụng gia tiên của gia đình.
Văn khấn cúng ông Công ông Táo
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ...
Ngụ tại: ...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Theo Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam
Một số điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo
Về thời gian
Cần lưu ý cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, nên cúng vào ngày 21 hoặc 22 tháng Chạp.
Vị trí đặt mâm cúng
Nhiều quý bạn quan niệm rằng ông Công ông Táo là vị thần cai quản đất, bếp núc nên cần phải được thờ cúng ở vị trí dưới bếp. Tuy nhiên, theo truyền thống phong tục người Việt thì tất cả các vị thần đều được thờ trên bàn thờ chính của gia đình, không đặt ở dưới bếp.
Không nên xin tài lộc, sung túc
Nhiều quý bạn khi đọc văn khấn cúng ông Công ông Táo thường xin được làm ăn phát đạt, tiền của dồi dào, tấn tài tấn lộc. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng như vậy là chưa hiểu ý nghĩa của ngày cúng ông Công ông Táo.
23 tháng chạp theo sự tích thì Táo Quân sẽ về chầu trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về việc lớn nhỏ của gia đình trong năm 2022 với Ngọc Hoàng. Vì vậy, nếu muốn cầu xin thì chỉ nên khấn xin Táo Quân bỏ qua những điều không hay của gia đình trong năm qua, xin ngài bẩm báo những điều tốt đẹp với bề trên.
Không nên thả cá chép từ trên cao xuống
Phóng sinh cá chép trong ngày 23 tháng Chạp
Phóng sinh cá chép là hoạt động không thể thiếu của các gia đình trong ngày lễ 23 tháng Chạp. Tuy nhiên nhiều quý bạn khi phóng sinh cá chép thực hiện sai cách, không nên thả cá chép từ trên cao xuống, cũng không quẳng cá, ném cá..
Khi phóng sinh cá phải nhẹ nhàng, thành kính, tháo túi ni lông để không làm ô nhiễm môi trường.
Xem thêm: Cúng ông công ông táo cần lưu ý điều gì?
Sự tích ông Công ông Táo
Mỗi dịp cuối năm, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị cho Tết ông Công ông Táo. Nghi lễ truyền thống này diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp theo phong tục cổ truyền của người Việt. Nhưng ít ai biết về sự tích ông Công ông Táo và ý nghĩa của ngày này.
Ông Công ông Táo là ai? Câu chuyện về các vị thần này được cho rằng bắt nguồn từ ba vị Thần của Trung Quốc, gồm: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Nhưng khi du nhập về Việt Nam đã có sự chuyển hóa thành sự tích của hai ông (thần Đất, thần Nhà) và một bà (thần Bếp). Người Việt gọi chung ba vị thần là Táo Quân.
Sự tích kể rằng, xưa có cặp vợ chồng Trọng Cao - Thị Nhi, hai người có cuộc sống hạnh phúc, mặn nồng. Thế nhưng một ngày xảy ra mâu thuẫn, vì quá uất ức, hiểu lầm Trọng Cao nên Thị Nhi đã bỏ nhà ra đi, lang thang khắp nơi và gặp được Phạm Lang. Một thời gian sau, Thị Nhi và Phạm Lang bén duyên vợ chồng, ở bên nhau ngày qua ngày.
Phần Trọng Cao sau khi nguôi giận quá đỗi thương nhớ vợ nên đã quyết định lên đường đi tìm nàng. Đi tới hết xứ này tới xứ khác vẫn không thể tìm thấy vợ, trong người tiền bạc không còn, Trọng Cao buộc phải trở thành người ăn xin.
Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, Trọng Cao tới đúng nhà của Thị Nhi để xin cơm. Lúc ấy Phạm Lang vắng nhà, Thị Nhi nhận ra chồng cũ, thương xót nên đã cho Trọng Cao vào nhà, nấu cơm cho chàng ăn. Chẳng may lúc đó Phạm Lang quay trở về, vì sợ bị chồng nghi oan nên nàng đã dấu Trọng Cao trong đống rơm ở sau vườn.
Đêm ấy, Phạm Lang vô tình đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy lên, Thị Nhi vội vã nói lời từ biệt và nhảy vào đống rơm cứu Trọng Cao. Vì yêu thương vợ nên Trọng Cao cũng nhảy vào rơm để cứu hai người. Cuối cùng, cả 3 đều bị chết cháy. Khi lửa đã tàn, dân làng thấy 3 người chết nhưng tay vẫn nắm chặt tay nhau.
Ngọc Hoàng trên cao nhìn thấy tình cảnh ấy cũng nảy lòng thương xót cho 3 người, vì vậy phong cho cả 3 làm Táo Quân để bầu bạn với nhau, đồng thời trông coi việc bếp núc, chợ búa, đất đai ở dưới trần gian. Tới ngày 23 tháng Chạp sẽ lên chầu trời để bẩm báo tình hình với Ngọc Hoàng.
Xuất phát từ sự tích ông Công ông Táo, hằng năm cứ đến ngày 21 - 22 tháng Chạp, mọi người thường làm lễ cúng ông Công ông Táo. Sở dĩ cúng trước giờ Ngọ (khoảng 11h-13h) ngày 23 tháng Chạp là vì sau giờ này Táo Quân đã về chầu trời, không nhận được lễ vật.
Bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin về ngày 23 tháng Chạp. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Bình luận hoặc góp ý về nội dung
Xem ngay chia sẻ hay khác
- Tử vi tuổi Dần năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Dậu năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Hợi năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Mão năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Mùi năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Ngọ năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Sửu năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Thân năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tư vi tuổi Thìn năm 2018 (Tạo lúc: )
- Tử vi tuổi Tuất năm 2018 (Tạo lúc: )