Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ

Từ ngàn xưa, hiếu thảo được xem là nhân cách đạo đức hàng đầu (Hiếu giả bách hạnh chi tiên). Một người không thể được xem là hoàn thiện dù có nhiều đức tính tốt nhưng khiếm khuyết lòng hiếu thảo. Hiếu thảo là hành động biết ơn và đền ơn đối với các bậc đã dày công sinh dưỡng, dạy dỗ mình nên người. Nếu không có ông bà cha mẹ thì không ai có mặt trên cuộc đời này, cho nên tri ân báo ân ông bà cha mẹ là hành động có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Cùng Âm Lịch tìm hiểu Chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ qua bài viết dưới đây nhé.

1. Hiếu thảo là gì?

Chữ hiếu 孝 trong chữ tượng hình gồm có bộ lão ở trên, bộ tử ở dưới; hàm nghĩa rằng con cái hết lòng phụng dưỡng, phụng thờ cha mẹ.

Trong văn hóa truyền thống chữ hiếu được coi là đức tính quan trọng nhất của con người. “Trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín” đều là những phẩm chất được coi trọng của người xưa. Người xưa đã đề cao “hiếu” thành Thiên lý: “Phu hiếu, thiên chi kinh dã, đích chi nghĩa dã, dân chi hành dã”; nôm na là “hiếu” là cái lý của trời đất, của thiên đạo xoay chuyển, là đức hạnh của con người.

Lòng hiếu thảo được nhắc tới trong Hiếu Kinh (thời Tần Hán); bàn về lòng hiếu thảo và những tấm gương hiếu thảo thời xưa. Lòng hiếu thảo được biểu đạt bằng đức tính tôn trọng cha mẹ và tổ tiên.

Đối với các bậc quân Vương, để cai trị thiên hạ cũng phải coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu bắt nguồn và thực hành trong từng gia đình. Một gia đình mà con cái luôn hiếu thảo là gia đình thuận hòa. Người xưa đều cho rằng, gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội. Gia đình thuận hòa thì đất nước bình yên; gia đình hưng thịnh đất nước cũng thịnh vượng, giàu mạnh. Gia đình bất hòa, con cái hỗn láo, bất hiếu; đạo đức xã hội cũng nhanh chóng mà tụt dốc thì xã hội ấy, đất nước ấy sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ, tệ nạn…

2. Hiếu thảo cha mẹ thường gặp được sự cảm ứng linh thiên

Cha mẹ sinh con ra, khó nhọc nuôi con khôn lớn nên người; nhưng đến khi được mười tám tuổi thì con cái lại "tung cánh bay xa," rời khỏi mái ấm gia đình, chẳng đoái hoài đến cha mẹ. Rồi đến khi cha mẹ già yếu thì phải lủi thủi vào sống trong viện dưỡng lão. Ở đó, tuy nói là có chính phủ bảo trợ, song chẳng có chút thâm tình ruột thịt; phải sống lẻ loi trơ trọi, côi cút hẩm hiu như không người thân thích. Nếu may mắn có được con cái hiếu thảo, hết lòng chăm sóc phụng dưỡng, thì bậc làm cha làm mẹ cũng thấy an ủi lúc tuổi già bóng xế. Bằng trái lại, thì chỉ nuôi con cho khôn lớn để rồi chúng lại tản mác bay đi như bầy chim sẻ khi đã đủ lông đủ cánh, mà cũng chẳng biết chúng bay về nơi đâu?

Sách có câu:

Dê con qùy bú, quạ con mớm mồi nuôi mẹ. (Dương cao quỳ nhũ, ô nha phản bô.)

Quạ con khi khôn lớn thì biết đi kiếm mồi mang về nuôi quạ mẹ, mãi cho đến khi nào quạ mẹ bình phục, có thể bay lượn trở lại được mới thôi; cho nên người Trung Hoa gọi quạ là loài "chim hiếu" (hiếu điểu). Dê con lúc bú sữa mẹ thì hai chân trước đều quỳ xuống. Cho nên, con người nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì chẳng bằng loài quạ và dê! Nói như thế không phải là trách móc bất cứ người nào, mà chỉ để nêu lên một đạo lý mà ai ai cũng cần phải biết. Hơn nữa, người biết hiếu thảo với cha mẹ thì thường được gặp những sự cảm ứng linh thiêng, mầu nhiệm. Cảm ứng như thế nào ư?

Ở Trung Hoa có lưu truyền câu chuyện "Quách Cự Chôn Con." Vì sao Quách Cự phải chôn con? Quách Cự vốn là người nghèo khổ; hai vợ chồng có được một mụn con, lại còn mẹ già cần phụng dưỡng. Mẹ ông vì tuổi già, răng rụng hết, nên không ăn cơm được, thường ngày chỉ uống sữa của người con dâu, vợ của Quách Cự. Thế nhưng, sau khi sinh thêm đứa con thì người con dâu không thể nào có đủ sữa cho cả bà lẫn cháu được, cho nên bà phải chịu đói mà cháu cũng chẳng được no. Quách Cự nghĩ tới nghĩ lui, không biết nên giải quyết như thế nào mới phải - nếu để dành sữa cho mẹ già thì con thơ sẽ chết vì khát sữa; nhưng nếu chỉ dành sữa cho con thì mẹ già đành phải chịu đói!

Vốn là một người con chí hiếu không ai bằng, Quách Cự bàn với vợ: "Vợ chồng ta hãy còn trẻ, sau này vẫn có thể có thêm con được. Bây giờ chúng ta bỏ đứa con này để lo phụng dưỡng mẹ già trước. Mẹ nay tuổi hạc đã cao, chẳng còn ở với chúng ta được bao lâu nữa; chúng ta cần phải săn sóc, hầu hạ mẹ cho chu đáo." Vợ Quách Cự mặc dù không đành đoạn bỏ con, nhưng vì hiếu đạo nên phải dằn lòng, cố nén đau thương, nói rằng: "Vâng, mình nói cũng phải!"

Thế là, sau khi bàn bạc, hai vợ chồng Quách Cự liền chuẩn bị mang con đến một nơi hoang vắng, xa thành phố để chôn. Cả hai vợ chồng vốn cưng chìu, nâng niu đứa bé như một báu vật, nhưng nay lại phải đành lòng đem con đi chôn sống! Thế nhưng, khi họ đào hố thì lạ thay, đào lên toàn là vàng với bạc, và trên những thoi vàng, thoi bạc ấy đều có dòng chữ "Trời ban cho hiếu tử Quách Cự."

Quách Cự vì nghèo khổ nên bất đắc dĩ phải đem con đi chôn, bây giờ vàng thoi bạc nén đầy dẫy, cho nên không cần phải chôn con nữa. Ðây là một công án mà ở Trung Hoa ai cũng biết cả. Ở Trung Hoa có rất nhiều người tuy không phải là tham lam, muốn được phát tài, song do biết đạo hiếu rất quan trọng, nên hầu như ai ai cũng hết lòng hiếu thảo.

HT Tuyên Hoá 

3. Chửi cha mắng mẹ là tội bất hiếu

Nhiều người con bất hiếu, bất mục, xem cha mẹ như người dưng nước lã. Có kẻ mắng nhiếc cha mẹ thậm tệ. Nơi xứ Tây phương, phong tục tập quán khác xứ Đông phương, người ta vịn vào 2 chữ Tự do nên thường đi quá trớn trong cách hành xử trong gia đình, giữa cha mẹ con cái hay vợ chồng. Tuy nhiên nơi trời Tây cũng hiếm có con cái xấc láo với cha mẹ. Thật ra chữ Tự Do vẫn có giới hạn của nó vì ta nên hiểu hai chữ Tự Do không có nghĩa là “Muốn làm gì thì làm”. Tự Do không có nghĩa là xem thường thầy cô dạy học mình, không kính trọng thầy cô mình. Tự Do không có nghĩa là cải tay đôi với cha mẹ.

4. Quả báo của tội bất hiếu đối với cha mẹ

4.1 Người hay não loạn, làm cha mẹ buồn khổ sẽ bị bệnh tật ốm yếu

Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật dạy người hay làm não loạn cha mẹ, khiến cha mẹ sinh tâm lo buồn sẽ bị quả báo nhiều bệnh tật. Cha mẹ là người đã chịu bao vất vả cho chúng ta hình hài, thương yêu chúng ta vô bờ bến. Khi con đau ốm cha mẹ cũng đau đớn khôn xiết. Khi con bệnh thì cha mẹ mất ăn mất ngủ, chạy chỗ này ngóng chỗ kia để lo lắng, chăm sóc. Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ là thế nhưng cũng không ít lần chúng ta làm cha mẹ phiền lòng, đau khổ vì sự vô tâm, ngỗ nghịch của mình.

Đại đức chia sẻ: “Thầy Thái Minh từ bé chưa từng làm cho cha mẹ sầu khổ, khi thấy mẹ buồn một việc gì là Thầy rất lo; có khi thấy mẹ khóc là Thầy khổ tâm lắm, không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ rơi nước mắt khóc cả. Thấy cha mà buồn, mẹ mà sầu lo thì rất khổ tâm. Cho nên các con muốn được mạnh khỏe thì không được làm cho cha mẹ vì các con mà lo buồn sầu khổ nhé!”. Cha mẹ nào thương con cũng mong con mình lớn lên, trưởng thành, biết lo cho bản thân và gia đình; nhưng nếu chúng ta khôn lớn rồi mà vẫn làm cho cha mẹ phải lo lắng, đau khổ, suy tư sầu não mà sinh bệnh; nhân bất hiếu này sẽ khiến chính chúng ta phải chịu quả báo bị bệnh tật, ốm yếu.

4.2 Người không yêu kính cha mẹ là đang gieo nhân xấu xí 

Ai cũng mong muốn được thân hình đẹp đẽ, nhưng nhiều người khi sinh ra không được may mắn, tướng mạo xấu xí, khiến ai nhìn vào cũng không muốn gần mình. Cũng có người lúc sinh ra được thân hình đẹp đẽ, nhưng đến tuổi trưởng thành dung nhan lại trở nên xấu xí. Trong kinh Đức Phật dạy, một trong những nhân duyên khiến chúng ta xấu xí là do không yêu kính cha mẹ. Người không yêu kính cha mẹ, hay cãi lại cha mẹ thì dần sẽ có quả báo xấu xí. Bởi cha mẹ là người sinh ra chúng ta, yêu thương chúng ta nhất mà không hiếu kính được thì tâm hồn của chúng ta u tối, không sáng được. Cổ nhân có câu: “tâm sinh tướng”, vậy nên người có tâm hồn u tối thì thần sắc không sáng sủa, không gây được thiện cảm, gần gũi với người khác.

Đại đức chia sẻ: “Như cái cây, nó có đẹp cũng nhờ ánh mặt trời. Một cái cây xanh tươi cần phải có ánh nắng, có đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu một cái cây không được ra nắng, thử xem nó có bạc màu, có héo, có chết hay không? Cũng như thế, cha mẹ là mặt trời, tuôn chảy tình yêu thương cho các con, mà các con bất kính với cha mẹ thì xem như cắt đứt nguồn yêu thương ấy, thì các con làm sao tốt đẹp được? Cha mẹ là mặt trời của các con, cho các con tình yêu thương, mà mình xem thường, hỗn láo với cha mẹ thì chắc chắn tương lai của các con sẽ không thể đẹp tốt được”.

4.3 Người có uy thế nhỏ có nhân vì đâu?

Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều hạng người. Có người khi nói ra đều được tin kính, quý trọng; lại có những người khi nói ra khiến người khác luôn nghi ngờ, không có uy thế, không ai tôn trọng. Trong kinh Đức Phật dạy người nào không có tâm quý kính hầu hạ cha mẹ thì người ấy không có uy thế. Đối với cha mẹ, chúng ta chỉ cần biết giúp đỡ việc nhà, hay những cử chỉ ân cần hỏi han là cha mẹ cũng thấy vui và hạnh phúc lắm rồi. Bởi vậy nên Bác Hồ cũng đã từng dạy trẻ thơ rằng: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”.

Qua đây, Đại đức cũng chỉ dạy các bạn học sinh rằng: “Các con về nhà phải biết nấu cơm, giặt giũ quần áo, giúp việc nhà cho cha mẹ. Buổi tối cha mẹ đau lưng thì đấm lưng cho mẹ, bóp vai cho bố thì đó chính là kính quý và hầu hạ cha mẹ. Ngày xưa, khi các con còn bé thì mẹ bế kèo kẽo trên tay, nhưng bây giờ các con lớn rồi lại ngại, xấu hổ không dám làm. Nhớ ơn công lao của cha mẹ là cái gốc, còn các con là cái ngọn. Các con chăm sóc cha mẹ chính là vun bồi cái gốc, nếu như quên mất gốc, quên mất ơn đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thì chúng ta không tốt đẹp được. Cho nên từ hôm nay về nhà, các con hãy chăm sóc cha mẹ, thì cha mẹ cũng sẽ rất vui, hạnh phúc”.

Người có uy thế lớn, được mọi người kính trọng, tôn kính và giúp đỡ mới làm được việc lớn; ngược lại người không có uy tín, uy thế thì làm việc gì cũng khó khăn, không được mọi người nể trọng. 

4.4 Người bất kính với cha mẹ sẽ phải sinh vào dòng họ thấp kém

Đất nước Ấn Độ từ thời Phật còn tại thế cho đến tận bây giờ, những dòng họ thuộc giai cấp Thủ-đà-la là giai cấp nô lệ thấp kém, những dòng họ thuộc giai cấp này thường không có địa vị và tiếng nói trong xã hội. Đức Phật dạy: “Người có dòng họ thấp kém là do không biết kính cha kính mẹ và không vâng theo lời dạy của cha mẹ”. Qua đây, Đại đức căn dặn các bạn: “Các con kiểm nghiệm lại bản thân mình, nếu mình sinh ra trong gia đình thấp kém, dòng họ không có danh giá thì mình biết rằng mình từng gieo nhân bất kính và cãi lại lời cha mẹ, thường hỗn hào, hỗn láo với cha mẹ”. Yêu kính, phụng dưỡng cha mẹ là quyền lợi mà không phải ai cũng có, nhiều người khi còn cha mẹ thì ít quan tâm, chăm sóc, nhưng tới khi cha mẹ mất rồi mới than sầu, khóc lóc. Sau khi nghe bài Pháp của Đại đức mong rằng các bạn sẽ phản chiếu lại những hành động khi xưa của mình để quay lại biết chăm sóc, hiếu dưỡng cha mẹ.

4.5 Người cắt giảm tài sản của cha mẹ sẽ bị quả báo ít tài sản

Chúng ta ai cũng muốn được giàu có, tài sản sung túc nhưng có nhiều người dù rất chăm chỉ, cần mẫn vẫn không thể có tài sản, ăn bữa nay lo bữa ngày mai. Trong kinh Đức Phật dạy một trong những nguyên nhân khiến cho mình bị ít tài sản là từng cắt giảm tài sản của cha mẹ. Bổn phận làm con, chúng ta cần ý thức rằng trách nhiệm của mình là phải nuôi dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ. Tài sản của cha mẹ, nếu cha mẹ cho thì được nhận, nhưng không được bòn rút, ép cha mẹ phải cho mình; một người con như vậy thì mới làm cho cha mẹ được an ổn, hạnh phúc.

Đại đức căn dặn các bạn: “Có những người từ lúc là sinh viên, đã biết đi làm thêm, gia sư, rửa bát kiếm thêm tiền để phụ cha mẹ tiền học, còn thừa lại gửi về cho cha mẹ nuôi em, thì người đó mai này sẽ có nhân duyên giàu có. Nên các em phải nhớ nếu các con ít tài sản, bị nghèo khổ là do nguyên nhân các con từng bất hiếu, bòn rút tài sản của cha mẹ”. Trong kinh Đức Phật cũng dạy, tài sản kiếm ra chúng ta phải trích một phần để lo báo hiếu, chăm sóc cho cha mẹ. Một người con hiếu thảo như vậy thì nhân quả tự nhiên giúp cho chúng ta được tăng trưởng phúc lành, trong đời này hoặc đời sau được tài sản sung túc.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Tử vi tuổi Tý (chuột) năm 2018 (Tạo lúc: )
  2. Tử vi năm 2018 của cung Bọ Cạp (Tạo lúc: )
  3. Tử vi năm 2018 của cung Cự Giải (Tạo lúc: )
  4. Tử vi năm 2018 của cung Kim Ngưu (Tạo lúc: )
  5. Tử vi năm 2018 của cung Ma Kết (Tạo lúc: )
  6. Tử vi năm 2018 của cung Song Ngư (Tạo lúc: )
  7. Tử vi năm 2018 của cung Xử Nữ (Tạo lúc: )
  8. Bài Văn khấn Ông Công - Ông Táo 23 tháng Chạp Âm lịch (Tạo lúc: )
  9. Văn khấn cầu công danh ở chùa Hương (Tạo lúc: )
  10. Văn khấn cúng lễ Ban Công Đồng (Tạo lúc: )

Danh mục