Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Lễ hội trình nghề

Hội trình là một lễ hội của các nghề trong xã hội nông thôn, được đặc trưng bằng cụm từ "Bách nghệ khôi hài", nghĩa là trò diễn trăm nghề có lời nói làm cho người xem phải buồn cười.

Trong hội làng, trò diễn "Bách nghệ khôi hài" thường diễn vào mùa xuân, mùa mở đầu công việc làm ăn trong một năm. Có xuất xứ từ thời sơ sử nhằm tiến cúng các vua Hùng và thần Tản Viên thời Duệ Vương có công lao dạy cho dân Lạc Việt các nghề làm nông, làm thủ công từ dựng nước Văn Lang (chế tác các công cụ ghi trên trống đồng Ngọc Lũ).

Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, sang đầu công lịch, nhiều vị tướng lĩnh có tiếng của Hai Bà Trưng khi còn ẩn mình nơi thôn dã, hoặc khi công đã thành, trong thời kì ngắn ngủi có 2 năm sau khởi nghĩa, đã chăm lo dạy dân cày cấy, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Những công lao ấy, được dân làng ghi nhớ, và trong ngày lễ kỉ niệm về các vị, một số làng ở Vĩnh Phúc tổ  chức các hội diễn để nhắc nhở lại các sự kiện này. Do vậy, tiền khởi là các trò diễn về nghề nông, về nông nghiệp, ngư, tiều, canh, mục được gắn vào lịch sử.

Trong xã hội nông thôn dần dần có sự phân biệt giữa các giới, các ngành nghề. Có 4 tầng lớp xã hội được xếp hạng là:

- Sĩ: Chỉ các thầy đồ, học trò trong làng xã.

- Nông: Người làm nghề nông.

- Công:  Thợ thủ công trong làng xã, chính là thợ mộc.

- Cổ hoặc thương: Người trao đổi, mua bán.

Ngoài ra còn có các nghề khác như thầy thuốc, thầy cúng, người đi câu, người bắt cá, xúc tôm.

Đạo Phật là một tôn giáo lớn và có ở hầu khắp các làng xã Vĩnh Phúc, xuất hiện từ triều Hùng, nên các nhân vật trình diễn còn có các vai ông Sư (Tăng), bà vãi.

Với đầy đủ các tầng lớp nhân vật như thế, nên tích trò được gọi là "Bách nghệ" (trăm nghề).

Tuy  nhiên, các trò diễn trình nghề ở Vĩnh Phúc hầu hết đều là các lớp "kịch câm", không có lời thoại. Nghĩa là lớp diễn chỉ có động tác mà không có lời nói hoặc lời ca. Duy chỉ có tích trò ở làng Văn Lôi xã Tam Đồng huyện Mê Linh có vài lời thoại, chưa thành các đoạn ca khúc.

Những yếu tố mạnh tính hài hước trong các lớp diễn trò trình nghề ở Vĩnh Phúc được cấu trúc trong các đạo cụ diễn, và trong động tác diễn. Do vậy, sự trình diễn nghiêm trang hơn, và sự thẩm định văn hóa sâu xa hơn.

Vĩnh Phúc hiện nay còn ba trò trình nghề đang được thực hiện hàng năm trong hội làng.

Trò diễn: Sĩ - Nông - Công - Cổ trong tích trò "đúc Bụt" làng Phù Liên, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương.

Là trò diễn đồng hành với trò diễn "đúc Bụt". Trò diễn ở vòng trong là "đúc Bụt", như là "nhân" của ngày hội diễn trò.

Trò diễn trình nghề "Sĩ - Nông - Công - Cổ" diễn ở vòng thứ 2, ngăn cách với vòng dân chúng đến xem, như là một vòng bảo vệ trò diễn trung tâm là ba ông bụt với ba chiếc chiếu mà nhân dân trong vùng tin là có phép mầu để thoả đáng các ước nguyện: Cầu đình và Cầu phúc lộc.

Cũng như các trò diễn ở các nơi khác, các nhân vật có:

 - Ông Sư - Bà Vãi.

 - Thầy đồ - học trò

 - Người đi cày

 - Người đi bừa.

 - Người đi cấy

 - Người tát nước...

Diễn ở ba vòng quanh sân, cùng  vận hành như đường vận hành của trò "đúc Bụt", theo chiều quay ngược của kim đồng hồ.

Khác trò diễn trình nghề ở Mậu Lâm là không đeo mặt nạ khi diễn - khác trò diễn ở làng Văn Lâm là ở đây là màn kịch câm. Không có lời thoại.

Trò diễn "Sĩ - Nông - Công - Cổ" trong tích trò "Khai xuân khánh hạ" thôn Mậu Lâm phường  Khai Quang thị xã Vĩnh Yên.

Là trò diễn trình nghề nhưng lại mang yếu tố hài hước. Nguyên nhân trước hết là trò diễn "mua vui" trong các lễ quốc tế 15 tháng 8 trước các quan triều đình về  tế ở điện Linh Tiêu. Lúc đó chắc chắn chưa có các nhân vật như ông Sư - bà Vãi, do "điện" chưa cải tổ thành "chùa", thể chế quốc gia chưa chuyển đổi thành quy chế làng xã. Các động tác ngược đời thường là nét độc đáo.

Chỉ từ khi bổ lễ "quốc tế" (1826), "điện Linh Tiêu" thành chùa Phú Cung thì không gian văn hóa khác đi.

Thêm một ngôi đình "giả" có yếu tố sân khấu gọi là "nghè xếp" làm chỗ "ngự" của 3 vị Thành hoàng làng trong lễ hội là giữ lại thiết chế "hội làng" ở đình làng.

Cũng không loại trừ địa điểm cũ, nguyên gốc là sân điện Linh Tiêu. Nên không gian  văn hóa gồm: Sân điện Linh Tiêu, sân đình làng, sân chùa Phú Cung.

Ý nghĩa đó quy định thành phần các vai diễn.

Trò diễn có lớp, có bố cục chặt chẽ. Tổng số có 29 người tham gia. 16 người diễn trò có đeo  mặt giả (mặt nạ). Mặt  nạ  làm  bằng giấy bồi, có 7 lần bồi, 7 lần phơi rồi mới vẽ mặt, thể hiện rõ tính cách nghề nghiệp. Đó là 1 thầy đồ, 1 ông Sư (tăng), 1 bà Vãi, 1 thợ cày, 1 con trâu (chỉ có phần đầu) 1 thợ bừa, 1 con bò (chỉ có phần đầu), 1 người cuốc góc, 1 người xúc tôm, 1 người câu ếch, 3 người thợ mộc, 2 người lái buôn, 1 người phát bờ.

Về y phục, đều đeo màu sắc và phong cách tuỳ theo nghề nghiệp.

Trò diễn làng Văn Lôi

Làng Văn Lôi nay thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh. Đình Văn Lôi thờ ông Lũ Luỹ, một vị tướng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ năm 40 - 42 CN.

Miếu làng Văn Lôi thờ Thánh mẫu là thân mẫu của tướng Lũ Luỹ. Sinh thời, ông đã có công với làng Văn, vì đã đem 80 mẫu ruộng để chia cho dân nghèo làng Văn Lôi lập nghiệp sinh sống. Do cảm ơn ấy, dân làng Văn Lôi tổ chức diễn trò Trình nghề Sĩ - Nông - Công - Thương để tri ân.

Làng Văn Lôi tổ chức lễ tiệc mùa xuân vào ngày 05 tháng giêng hàng năm. Có lễ rước kiệu: Rước Thánh mẫu về đình mở hội. Sau lễ rước là lễ tế. Sau lễ tế là diễn trò trình nghề ở bãi đất rộng trước cổng đình.

Trước khi vào diễn, những người tham gia vai diễn đều vào làm lễ thánh.

Có các vai diễn như sau:

 - Vai ông Thiên Lôi, biểu tượng sức mạnh thiên nhiên mà công việc nhà nông trông cậy: Sấm, mưa.

Vai này có hoá trang mặt đỏ phừng phừng, tai to, mặt lớn, mắt sáng quắc như tia chớp, miệng hô hét ầm ầm như tiếng sấm. Vừa chạy xung quanh sân diễn, tay Thiên Lôi vừa té nước (ở những chum đựng sẵn nước) vào các vai diễn biểu tượng trời mưa. Té càng nhiều nước, các vai diễn càng ướt nhiều thì năm ấy chắc sẽ được mùa lúa.

- Vai con trâu đi cày, đầu trâu làm bằng chiếc gầu giai. Vẽ mắt ốc nhồi, tai lá mít, hoá trang thân trâu có đít lồng bàn, là những tiêu chuẩn của con trâu xếp hạng nhất, vai con bò đi bừa.

 - Vai một người đi cày, một người đi bừa đều là nam.

 - Vai một người phát bờ, cuốc góc.

 - Vai các cô thợ cấy do nam đóng giả gái, đội khăn mỏ quạ, thắt lưng bao xanh miệng nhai trầu bỏm bẻm.

Các vai này vừa làm động tác diễn quanh vòng tròn sân, vừa trò truyện vừa ca hát véo von.

- Một vai ông già áo the khăn xếp, đi giầy đen, gánh một gánh dụng cụ dạy học. Một bên là chiếc nghiên mài mực làm bằng cái mâm gỗ, với một thỏi son to bằng hòn đá nén dưa, một bên là mấy chục "chiếc bút lông mèo" dài hơn một thước (0,40 cm) cán bút làm bằng gỗ xoan, đầu bút vót nhọn như đầu bút lông, bôi nhọ nồi cho  đen. Người thương nhân này vừa đi vừa rao: "Ai mua bút lông mèo đây... Ai mua bút lông mèo đi! "Rồi cứ thế diễn ra cảnh người mua, kẻ bán... hài hước, pha trò cười vui như nắc nẻ.

- Một vai diễn trong y phục thầy đồ quần trắng, áo the, khăn xếp, chân đi giầy chí long, tay cầm gậy trúc dẫn một đoàn học trò, có hoá trang như những tiểu đồng, trên đầu có 2 chỏm trái đào lắc lư, đọc to  bài ca:

                    "Tốt lúa chiêm là tốt lúa chiêm

                    Tốt lúa mùa là tốt lúa mùa

                    Tốt  khoai lang là tốt khoai lang"

Thầy đồ đọc trước, các trò đọc theo sau...

Trò diễn kết thúc theo 3 vòng sân, và đường diễn theo chiều ngược kim đồng hồ. Cuối cùng là lớp diễn đặc biệt.

Một cây lúa  thần làm bằng thân cây chuối lá, vừa to, vừa cao, được ghim buộc chặt chẽ trên một chiếc chõng tre có đủ đòn ngang, đòn dọc  8 nam thanh niên chưa có gia đình khôi ngô, tuấn tú vào khiêng, rồi chạy thật nhanh vào đình. Theo sau là những bác nông dân mặt vuông chữ điền, đầu đội khăn tai  chó, lưng thắt bao đỏ, bao xanh, tay cầm chống khẩu, chống chầu, gõ trống ngũ liên (liền 5 tiếng một), rồi đặt cây lúa toạ tại sân đình trước thần điện.

Cây lúa này được làng cắt cử những gia đình quang quẻ, đủ vợ, đủ chồng, kinh tế phát đạt, chọn cất những ré lúa nếp bông to, hạt mẩy từ vụ tháng 10, đến ngày hội mới đem ra cắm lên cây chuối, làm thành một cây lúa.

Vị chủ tế vào cúng thần thành hoàng Lũ Luỹ và thân mẫu của ông, là kết thúc hội lễ.

Buổi chiều, rước kiệu Thánh mẫu về miếu, hoàn cung.

Cây lúa được thờ ở đình đến sau ngày hạ nêu mùng 7 tháng Giêng mới tán lộc. Những bông lúa được đem phân phát cho những  người có chức sắc, những trưởng họ trong làng đem về cắm vào bát hương để thờ từ hội này đến hội mùa năm sau.

Trong các trò diễn trình nghề ở các làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, duy nhất có trò diễn làng Văn Lôi là các lớp diễn có lời thoại.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Tử vi tuổi Hợi năm 2018 (Tạo lúc: )
  2. Âm lịch Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Tạo lúc: )
  3. Các ngày lễ, ngày tết ở Việt Nam - lễ được nghỉ và đi làm trong năm (Tạo lúc: )
  4. Lễ Thần Nông (Tạo lúc: )
  5. Bài Văn khấn cúng lễ Tân Gia (Ăn mừng nhà mới) (Tạo lúc: )
  6. Bài văn khấn lễ Đức Thánh Trần (Tạo lúc: )
  7. Cúng Lễ Hóa Vàng ngày tết (Tạo lúc: )
  8. Lễ Vu Lan cúng cô hồn - Bài văn khấn cúng Rằm Tháng 7 (Tạo lúc: )
  9. Tổng hợp các bài văn khấn trong Tang lễ Việt Nam (Phần I) (Tạo lúc: )
  10. Tổng hợp các bài văn khấn trong Tang lễ Việt Nam (Phần II) (Tạo lúc: )

Danh mục