Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
10 Sự Tích về Rằm Trung Thu mà không phải ai cũng biết

Tết Trung thu đúng vào ngày rằm tháng 8, giữa một mùa đẹp nhất, trăng thanh. Vì vậy, mà còn được gọi là “Tết trông trăng”. Tết Trung thu năm 1946, Bác Hồ đã viết "Trung thu trăng sáng như gương Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng " Vầng trăng của rằm tháng 8 đã gắn liền với các thần thoại, huyền thoại, 10 câu chuyện cổ tích lưu truyền cho tới ngày nay.

1. Sự tích Trung thu phá cỗ đêm trăng rằm tháng 8

Tương truyền thời Đường Minh Hoàng, Trung Quốc, vua Đường thổ lộ ao ước được một lần lên cung trăng trong bữa tiệc thưởng nguyệt cùng các quan nhân vào ngày rằm tháng 8. Mộng ước thành thực, sau khi pháp sư Diệu Pháp Thiên hóa phép, vua Minh Hoàng bay người lên cung trăng và được chúa tiên tiếp rước, mở đại tiệc. Hàng trăm tiên nữ cầm dải lụa trắng, vừa múa vừa hát khúc Nghê Thường Vũ Y say mê lòng người. Cuối năm, quan Tiết Độ Sứ cai trị vùng Tây Lương dâng vua Minh Hoàng đoàn vũ nữ múa điệu Bà La Môn. Vua Đường vô cùng ngạc nhiên vì thấy quá giống với điệu múa thưởng trăng xưa và hết lời khen ngợi. Về sau, các quan chư hầu bắt chước mang điệu này múa phổ biến khắp các vùng quê, phiên trấn xa xôi vào những dịp rằm tháng 8.

Tại Việt Nam, không biết từ khi nào, phong tục phá cỗ Trung thu được du nhập và ghi chép lại trong cuốn "Việt Nam Phong Tục" của ông Phan Kế Bính. Ban ngày nhà nhà làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ tròn đầy, bố mẹ kể những câu chuyện sự tích đêm rằm cho con cái.

2. Sự tích bánh Trung thu

Trung Thu là lễ thức nông nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đối với người Hoa, ngày tết Trung thu có đốt đèn, lồng đèn hình cá chép, lễ vật cúng trăng gồm bánh Trung thu, bưởi, khoai môn và đậu phộng.
Ở nước ta, từ lâu, tết Trung Thu đã trở thành ngày Tết của thiếu nhi. Trẻ em được ăn bánh ngọt và vui chơi trong đêm với nhiều loại lồng đèn có hình dáng, màu sắc sặc sỡ khác nhau.
Người Việt bị ảnh hưởng bởi tục lệ của người Hoa nhưng lễ cúng thần Thái Âm đơn giản hơn nhiều. Lễ vật cúng gồm có trà, bánh, hương hoa, không có bưởi hay khoai môn và đậu phộng như lễ vật của người Hoa.
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa.
Về mặt ngôn ngữ, người ta lại liên kết cái ý niệm “Tròn” (viên) của Trăng với cảnh quây quần đoàn tụ của gia đình, qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng “Nguyệt lão” chắp mối tơ hồng để cho đôi trai gái.
Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, thuộc về người phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Quốc thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tỉa thành hình hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm “phân qua” tức là chia rẽ phân ly). Tục lệ này được truyền qua Việt Nam, ngoài Bắc trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài khéo léo bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Một điểm đặc biệt là trên nắp các hộp bánh Trung Thu bán ở thị trường thường vẽ những bức hoạ như Hằng Nga bay lên Quảng Hàn cung hay Đường Minh Hoàng du Nguyệt Điện để thể hiện những huyền thoại liên quan đến mặt trăng.
Ở Việt Nam từ xưa đến nay, bánh Trung Thu gồm hai loại: dẻo và nướng.
Bánh dẻo
làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn là chiếc bánh Trung Thu mang sắc thái Việt Nam hơn bánh nướng. Theo khẩu vị Hà Nội, bánh dẻo thường ngọt sắc hơn so với trong Nam. Đường kính của bánh thường rất lớn, có thể gần bằng chiếc mâm, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn, có màu trắng ngà và là biểu tượng của ý nghĩa “giai đình đoàn viên” và nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng.
Cách làm Bánh nướng
Trung Thu hầu như vẫn là bí quyết chế biến của người Việt gốc Hoạ Hình dáng bánh nướng thường vuông hay tròn, đựng vừa khít bốn chiếc trong một chiếc hộp giấy vuông. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân thì có thể làm bằng đậu xanh, khoai môn, hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy một hay hai tròng đỏ trứng vịt muối có mùi vani hay sầu riêng hoặc có nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao.
Những chiếc bánh nướng Trung Quốc mà chúng ta quen ăn ở Việt Nam hay mua tại những tiệm Hoa ở nước ngoài chính là thừa hưởng từ hình dáng và khẩu vị của vùng Quảng Đông bên Trung Quốc với những đặc điểm sau: vỏ bánh có vị ngọt, bánh đúc từ khuôn gỗ, còn về nhân thì thập cẩm bao gồm đến 200 loại vô cùng phong phú.
Khi thưởng thức, bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng mà phải chờ ba ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới mềm ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon. Mặc dù người ta quảng cáo bánh có thể bảo quản lâu đến một tháng nhưng với điều kiện khí hậu bình thường thì bánh chỉ nên ăn trong vòng hai tuần là tối đa nếu không thì bánh sẽ hỏng và làm đầy bụng.
Về sự tích bánh trung thu còn được kể lại như sau:
Huyền thoại thứ nhất: Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu ban cho viên thuốc trường sinh để sống lâu bảo vệ thế gian. Nhưng Hằng Nga lại lén ăn cắp viên thuốc này và bay lên mặt trăng. Trên mặt trăng, Hằng Nga làm bạn với một con thỏ ngọc đứng dưới gốc cây. Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là Quảng Hàn cung. Hằng Nga bị lạnh nên bị ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ đến việc lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian mà để thiên hạ cũng được trường sinh.
Huyền thoại thứ hai là về ông vua Đường Minh Hoàng là người rất muốn luyện phép tu tiên. Tục lệ treo đèn và bầy cỗ vào đêm rằm tháng Tám xuất phát từ việc đó là ngày sinh nhật của ông nên truyền cho thiên hạ khắp nơi phải làm thế để mừng cho ông. Chính vào đêm rằm này, ông ra lệnh cho viên đạo sĩ La Công Viễn phải làm phép để ông du hồn lên chơi trên mặt trăng. Truyền thuyết kể rằng đạo sĩ này đã cho ông uống một liều thuốc gì đó rồi nói vua kê đầu vào một cái gối đặc biệt trong một khung cảnh mờ ảo có đốt hương trầm phảng phất. Quả nhiên, nhà vua trong chốc lát thấy hồn mình nhẹ nhàng bay bổng lên vùng Nguyệt Điện rồi chứng kiến một bày tiên nữ lả luớt nhảy múa ca hát trong những bộ xiêm y theo bảy sắc của cầu vồng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua bèn nhớ lại bắt chước mà sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y Khúc (Nghê là cái cầu vồng, Thường là cái xiêm váy). Khúc nhạc này trở nên rất nổi tiếng và lưu dấu trong thi văn hậu thế , vua Đường Minh Hoàng đầy nghệ sĩ tính lại được giới nghệ thuật ca vũ Trung Quốc đời sau suy tôn là “Thánh tổ” của nghề nghiệp của họ.

3. Sự tích Đèn kéo quân

Sự tích Trung thu mẹ kể cho bé không thể thiếu câu chuyện về chiếc đèn kéo quân. Tương truyền vào gần dịp tết Trung thu, nhà vua mở hội thi khéo tay khắp cả nước. Bấy giờ, tại ngôi làng nghèo khó nhất, chàng Lục Đức nằm mơ thấy vị thần râu tóc bạc phơ xuất hiện và phán rằng:

- Thái Thượng Lão Quân ta thấy người nghèo khó nhưng rất hiếu thảo với mẹ. Cho nên, hôm nay qua đây bày cách cho nhà người làm chiếc đèn tiến vua.

Thời gian trôi mau, khi đèn làm xong thì ngày rằm cũng tới. Dân chúng khắp nơi tiến dâng vật phẩm chế tác nhưng không ai làm vua hài lòng. Chỉ đến khi thấy chiếc đèn vừa là lạ, nhiều màu sắc, nhà vua tò mò hỏi ý nghĩa. Lục Đức theo lời Thái Thượng Lão Quân tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thân trúc giữa đèn đại diện cho trục khôn, chong chóng quay 6 mặt chiếc đèn biểu tượng 6 cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, hờn, buồn, vui. Con người thay đổi căn do là đạo làm người chưa tới. Bởi vậy cần ánh sáng soi tỏ để người người sống tốt lành, có đạo đức.

Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hình ảnh nhà vua, quan và ngựa nối đuôi nhau quay vòng. Vua cảm động lắm, liền thưởng mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.

4. Sự tích chú Cuội cung trăng

Ở miền nọ có một chàng tiều phu tên Cuội. Một lần đi rừng vào nhầm hang cọp, Cuội giật bắn mình leo thoắt lên ngọn cây cao trốn. Cọp mẹ về hang thấy đàn con chết lả vì đói liền đi đến gốc cây gần chỗ Cuội ẩn đớp lấy một ít lá mang về mớm. Kỳ lạ thay, chưa đầy ăn giập miếng trầu, 4 chú cọp con quẫy đuôi sống lại. Chờ cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới tìm cây lạ đào gốc mang về.

Dọc đường đi, Cuội gặp lão ăn mày nằm chết trên bãi cỏ. Không ngần ngại, Cuội bứt ngay mấy lá cứu giúp ông lão đã thoát cửa tử. Nghe Cuội kể đầu đuôi, ông kêu lên:

- Đây là cây đa có phép "cải tử hoàn sinh". Con chăm sóc cây đừng tưới nước bẩn kẻo cây bay lên trời đó.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người người. Ai ai cũng kính nể. Một lần, Cuội cứu sống cô con gái sảy chân chết đuối cho lão địa chủ. Nét mặt hồng hào, sự sống quay trở lại, cô xin lấy Cuội làm chồng. Đôi lứa xứng đôi hưởng những tháng ngày hạnh phúc. Ngặt một nỗi, cô vợ có tính hay quên. Những khi đi làm xa, Cuội dặn "có tiểu thì đi bên Tây, chớ tiểu bên Đông, cây dông lên trời" mà cô vợ như lú lẫn ruột gan, vừa nghe xong là quên ngay.

Một chiều, cô vợ không nhớ lời dặn cứ nhắm vào cây quý tiểu. Bỗng nhiên mặt đất chuyển động, gió thổi ào ào, cây đa đảo mạnh, bật gốc phi lên trời xanh. Vừa lúc Cuội đi kiếm củi về, hớt hải nhảy bổ đến níu cây lại. Nhưng sức người có hạn, cây đa kéo cả Cuội cứ thế bay lên cung trăng. Từ đấy, cứ mỗi dịp ngày rằm, ánh trăng sáng nhất, khi ngước nhìn lên, người ta thấy một vết đen hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc. Đó chính là chú Cuội đang chờ ngày được trở về trần gian.

Sự tích chú cuội rằm trung thu

5. Sự tích Thỏ ngọc

Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn, nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang.
5.1. Sự tích Thỏ Ngọc 1

Tương truyền có ba vị thần tiên hóa thành ba ông lão tội nghiệp đi xin ăn của cáo, khỉ và thỏ. Cáo và khỉ đều có sẵn thức ăn để cứu giúp, chỉ có thỏ trong tay không có gì. Sau đó, thỏ nói: “Mọi người hãy ăn thịt của tôi đi!”, rồi liền nhảy ngay vào lửa, tự nướng chín mình. Các vị thần vô cùng cảm động, và đã đưa thỏ lên cung trăng, trở thành Thỏ Ngọc
5.2. Sự tích Thỏ Ngọc 2

Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn, nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang. Thỏ tiên không biết đã xảy ra chuyện gì, liền hỏi một vị thần gác cửa. Sau khi nghe xong hoàn cảnh của Hằng Nga, Thỏ tiên cảm thấy Hằng Nga chỉ vì giải cứu bách tính mà vô tình chịu tội, nên rất thương cảm. Nghĩ đến Hằng Nga một mình bị nhốt ở cung trăng, cô đơn đau khổ, nếu có người ở với nàng thì thật tốt, chợt nghĩ đến bốn con của mình, Thỏ tiên đã lập tức bay trở về nhà.

6. Sự tích Chị Hằng Nga

Sự tích về Hằng Nga có 2 sự tích

Sự tích chị Hằng Nga

6.1. Sự tích thứ nhất về Hằng Nga

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng trai tài gái sắc hết đỗi yêu thương quấn quýt nhau là Hậu Nghệ và Hằng Nga. Hậu Nghệ c hính là người anh hùng đã cứu loài người khỏi nạn thiêu đốt của mặt trời. Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng thiêu đốt mặt đất, khiến đất đai nứt nẻ, biển hồ khô cạn. Loài người đói khát bệnh tật triền miên và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Đau xót trước nỗi thống khổ của nhân dân, Hậu Nghệ quyết tâm tiêu diệt mặt trời. Không quản hiểm nguy, chàng trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, đem lại cuộc sống bình yên no ấm cho mọi người. Còn vợ chàng, Hằng Nga là một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, dịu dàng, đôn hậu và tốt bụng. Bởi vậy, hai vợ chồng họ có một cuộc sống thật ấm êm hạnh phúc trong tình yêu thương và kính trọng của dân làng.
Một hôm, Hậu Nghệ bỗng nhớ một người bạn thân, chàng bèn du ngoạn đến núi Côn Lôn thăm bạn. Trên đường, chàng gặp Vương mẫu nương nương. Cảm tình với chàng trai tài giỏi và đức độ, Vương mẫu tặng chàng thuốc trường sinh bất tử. Thuốc này uống vào sẽ lập tức bay lên trời thành Tiên. Nhưng Hậu Nghệ còn yêu mến trần gian xinh đẹp và ấm áp tình người nên chưa muốn rời đi.Vì vậy chàng bèn đưa thuốc cho vợ cất mà không nói cho nàng biết là thuốc gì.
Không ngờ trong đám học trò của Hậu Nghệ có một kẻ tâm địa không tốt tên là Bồng Mông. Việc Hằng Nga đang cất giữ thuốc bất tử đã bị Bồng Mông biết được.

Hôm sau, nhân lúc Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông giả vờ lâm bệnh, xin ở lại nhà. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi khỏi, Bồng Mông đột nhập vào hậu viện, rút kiếm ép Hằng Nga phải đưa thuốc cho hắn. Trong lúc nguy cấp, không thể để thuốc lọt vào tay kẻ ác, Hằng Nga mở hộp lấy thuốc cho vào miệng nuốt. Nuốt thuốc xong, Hằng Nga bỗng nhiên nhẹ rời mặt đất, hướng về phía cửa và bay lên trời. Tuy nhiên do lòng vẫn quá nặng tình lưu luyến với chồng, với trần gian nên nàng đã bay đến Mặt trăng, là nơi gần nhất với nhân gian.

Khi Hậu Nghệ về đến nhà thì vợ đã bay đi mất. Trong lúc đau khổ, chàng ngửa cổ lên bầu trời đêm thăm thẳm, thống khổ gọi tên vợ hiền. Bỗng nhiên, mặt trăng trở nên đặc biệt sáng ngời và trên mặt trăng xuất hiện một bóng người lay động trông giống Hằng Nga. Đau khổ, Hậu Nghệ sai người lập hương án, thắp nén hương gửi lên Hằng Nga nơi cung trăng những món ăn và đồ vật mà nàng yên thích.

Nghe tin Hằng Nga đã bay lên cung trăng thành tiên nữ, dân làng đều lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái Nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.

6.2. Sự tích thứ 2 về Hằng Nga

Tiên nữ Hằng Nga nhìn xuống hạ giới thấy cảnh dân chúng lầm than trước sự bạo hành của tên vua gian ác. Hắn bắt mọi người phải đi tìm thứ thuốc trường sinh bất lão và hành hình những ai không có câu trả lời thỏa mãn. Đồng cảm với nỗi khổ của chúng sinh, Hằng Nga liền hóa kiếp thành cô thôn nữ và dâng thuốc độc cho tên vua. Với bản tính đa nghi, hắn ép nàng phải uống thử trước. Sau khi không thấy động tĩnh gì, tên vua an tâm uống và chết ngay lập tức. Về phần Hằng Nga, do phạm phải luật cung đình nên nàng đã bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày tới cung trăng.

7. Sự tích đèn ông sao

7.1. Sự tích thứ 1 về chiếc đèn ông sao đêm rằm Trung Thu

Ở ngôi làng nọ có hai cha con kiếm sống bằng nghề làm đèn Trung thu. Công việc lặp lại quanh năm khiến người con thấy nhàm chán với những chiếc đen đơn điệu. Một đêm, trong lúc mải mê ngắm trăng, anh nhìn thấy một vệt sáng tuyệt đẹp, lấp lánh kéo dài hình 5 cánh sao. Mừng rỡ, cứ tối đến, chàng trai lẻn ra sau vườn hì hục đốn tre, chuốt chẻ thành từng mảnh nhiều kích cỡ, lắp lắp tháo tháo hết đêm này sang đêm khác.

Rồi đêm rằm Trung thu cũng tới, khi đám rước đèn đi qua ngõ nhà 2 cha con, bọn trẻ tò mò đầy hứng khởi trước quầng sáng lấp lánh góc vườn. Quá háo hức, chúng giong chiếc đèn ngôi sao đi khắp làng. Những mùa trăng năm sau, sân nhà 2 cha con lại xuất hiện những chiếc đèn ngôi sao đủ các màu sắc.

7.2. Sự tích thứ 2 về chiếc đèn ông sao đêm rằm trung thu

Ngày xưa ở gần khu rừng nọ, có một ngôi làng nghèo xác xơ, bọn trẻ trong làng thường cầm những cành cây nhỏ, thứ duy nhất dễ kiếm trong rừng, vừa nhảy múa vừa như vẫy gọi phía trời cao.

Lúc đó, trên Trời vì Trăng sáng nên lũ Sao hóa mờ nhạt và buồn ơi là buồn. Nhìn bọn trẻ đông vui  chơi đùa, lũ Sao thèm quá, chúng bèn xin phép và được Ngọc Hoàng cho một lần xuống trần gian chơi cùng lũ trẻ. Mỗi ngôi sao sà xuống đậu nhấp nháy, lấp lánh trên đầu mỗi cành cây trên tay trẻ con. Lũ trẻ con thật vui và lũ Sao còn vui hơn nhiều suốt cả đêm trăng sáng rất ngắn ngủi đó. Lần vui vẻ đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của lũ trẻ và sao trời.

Từ đó, cứ đêm Rằm Trung thu, nhớ đến các bạn Sao, lũ trẻ đã lấy tre nứa, cành cây làm hình dáng những ngôi sao và  rước đi cùng chơi. Đó là những chiếc đèn ông sao đơn giản đầu tiên. Chúng phát triển theo thời gian và tồn tại đến bây giờ. Và ngay hôm nay, các bạn nhỏ trường mầm non Thần Đồng đang sáng tạo những chiếc đèn lồng theo ý tưởng riêng của mình để chuẩn bị cho Hội Trăng Rằm sắp tới.

Lũ sao trên trời vẫn còn nhớ lắm đêm vui ấy. Chúng vẫn ở trên trời và nhấp nháy nhiều hơn vào những đêm Rằm, nhất là Rằm tháng Tám “Tết Trung Thu”.

8. Sự tích chiếc mặt nạ Trung thu

Ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau một cách rất tình cờ. Họ chưa một lần gặp nhau, họ quen nhau và yêu nhau qua nhứng bức thư do những chú hạc trắng chuyển tới.

Cứ như thế, ngày tháng trôi đi, cả hai đều thấy hạnh phúc với tình yêu của mình, họ tâm sự với nhau đủ thứ chuyện, chia sẻ tình cảm, khó khăn và cả hạnh phúc nữa...một ngày kia cả hai quyết định gặp nhau.

Chàng trai hẹn với cô gái xong, chàng vô cùng hạnh phúc và sung sướng khi chuẩn bị được gặp người mà mình hết mực yêu thương, nhưng kèm theo đó, chàng lại lo lắng vô cùng vì chàng luôn linh cảm rằng nàng đã có người yêu, người nàng yêu đích thực không phải là chàng, nàng thường tâm sự, nhắn tin và chat tâm sư mọi chuyện của nàng với người khác chứ không phải là chàng

Chàng nghĩ mãi, nghĩ mãi về điều đó, thấu hiểu nỗi băn khoăn của chàng, ông bụt hiện lên và tặng chàng một vật thật mềm giống như da người, ông dặn chàng hãy đeo nó lên mặt khi gặp người yêu, người chàng yêu sẽ không nhận ra chàng và như vậy, và thêm một vật nữa để dùng khi trời tối, chàng sẽ hiểu được mọi chuyện...chàng sung sướng, cảm tạ ông bụt...

Ngày rằm trung thu, đúng ngày ước hẹn gặp nhau của hai người, chàng trai đeo vật mà ông bụt tặng cho để đến gặp người yêu với một sự tự tin...

Khi gặp cô gái, chàng sững sờ trước vẻ đẹp thánh thiện của cô, chàng muốn chạy ngay đến, ôm chặt lấy nàng, nhưng có một điều gì đó đã ghìm chân chàng lại,... chàng thấy quanh nàng có rất nhiều các chàng trai khác, hôm nay, nàng hẹn gặp với nhiều người... chàng không đến gặp mặt cô gái nữa, chàng đứng từ xa, giơ vật mà ông bụt cho lên, nhiều vì sao trên trời bỗng sà xuống, gắn chặt vào vật đó thành hình một cái đèn như ngôi sao để chàng quan sát,... nàng cuối cùng đã ngồi riêng với một chàng trai tuấn tú, chàng trai thất vọng và nhủ thầm nàng đã đùa cợt với mình, với tình cảm chân thật của mình,...chàng lặng lẽ bỏ đi xa...

Chàng trai thất vọng về mối tình đầu, chàng dồn hết tâm trí vào sự nghiệp, rèn luyện và học hành, cuối cùng chàng cũng thành công, chàng trai lên ngôi vua của vương quốc, và để kỉ niệm cho nỗi buồn lớn nhất của cuộc đời, ông vua tổ chức lễ hội vào đêm rằm trung thu, những người dự hội đeo một vật giống như ông bụt tặng chàng trai thuở trước, nhưng trên đó vẽ những hình mặt rất xấu xí, tay cầm những chiếc đèn để soi sáng xung quanh, ông vua nói, làm như vậy để tôn vinh những tấm lòng nhân ái...và điều đặc biệt là những người dự hội chỉ là các em nhỏ, ông vua nói rằng, trẻ em có những tâm hồn trong sáng và chân thành, dù có che dấu gương mặt thật thì xung quanh vẫn nhận ra tấm lòng nhân ái và chân thành của nhau, không một chút dối gian...để trẻ em tin vào những điều đó, lớn lên, trưởng thành mà mang lại hạnh phúc cho người khác..

Sau này, người ta đặt tên nó là mặt nạ và đèn ông sao...

9. Sự tích múa lân và ông Thổ Địa

Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.

Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v. Người Trung Hoa không có phong tục này.

Tương truyền rằng, vị thần Thổ Địa ban phước sự giàu có, trù phú chứ không làm hại ai. Ông dụ con Kỳ Lân xuống trần gian, vào lãnh địa của mình để giúp đời khiến muôn dân hưởng thái bình, làm ăn khấm khá. Cứ tới mùa Trung thu đoàn viên, con Lân theo sau, ông Địa đi trước phe phẩy quạt mo, tươi cười hớn hở nhộn nhịp ban phước lộc cho buôn làng.

10. Vì sao Trung thu người ta lại ăn bưởi?

Nhất thiết phải có bưởi trong Tết Trung thu. Trong tiếng Hán, từ "bưởi" đồng âm với "Du Tử" nghĩa là những người phiêu bạt xa quê nhớ ngày này để đoàn viên gia đình; đồng âm với "Hựu" với nghĩa bình an vô sự; đồng âm với "Hữu Tử" để kỳ vọng sinh con quý tử.

Tại Sao rằm trung thu lại cúng bưởi

Rằm trung thu vào mùa bưởi: Rằm trung thu là vào tháng 8 âm lịch đúng vào mùa bưởi chín, mọi người thường chọn mua những trái bưởi ngon nhất để bày lên mâm cúng trước là để thờ cúng ông bà tổ tiên sau là để cả nhà cùng thưởng thức loại trái cây tươi ngon nhất.

Trái bưởi còn mang ý nghĩa truyền thống: Theo quan niệm dân gian xưa thì trái bưởi tròn đầy tượng trưng cho sự sung túc, đoàn tụ của các thành viên trong gia đình, đồng thời người ta tin rằng việc bày bưởi trên mâm cỗ trung thu còn đem lại may mắn, như một lời chúc phúc cho gia chủ.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Tử vi tuổi Mão năm 2018 (Tạo lúc: )
  2. Tử vi tuổi Sửu năm 2018 (Tạo lúc: )
  3. Tử vi năm 2018 của cung Bọ Cạp (Tạo lúc: )
  4. Tử vi năm 2018 của cung Cự Giải (Tạo lúc: )
  5. Tử vi năm 2018 của cung Kim Ngưu (Tạo lúc: )
  6. Tử vi năm 2018 của cung Ma Kết (Tạo lúc: )
  7. Tử vi năm 2018 của cung Song Ngư (Tạo lúc: )
  8. Tử vi năm 2018 của cung Xử Nữ (Tạo lúc: )
  9. Tử vi năm 2018 cung Bạch Dương (Tạo lúc: )
  10. Tử vi năm 2018 cung Bảo Bình (Tạo lúc: )

Danh mục