Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Tục thờ chó

Tục thờ chó hay một số nơi biến thể là tục thờ chó đá là các hình thức tín ngưỡng thờ cúng loài chó (thông thường là chó nhà). Tục thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa. Ban đầu tục này được cho là xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó những người di cư Ấn–Âu từ thời đồng thau đã mang vào Đông Á truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ con chó. Việc thờ chó xuất phát từ vai trò của con chó trong đời sống xã hội của con người.

Ở Việt Nam, người Việt có tục thờ chó đá từ lâu, và sâu đậm trong văn hóa, họ thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ, theo họ tiếng chó sủa thì ma quỷ không dám bén mảng tới nhà. Trong dân gian xưa vẫn còn lưu truyền những câu chuyện cổ tích Việt Nam nói về chó đá. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí. Tuy nhiên, một số dần bị thay thế bằng linh vật ngoại lai như sư tử đá hoặc tỳ hưu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Vị thế tâm linh

Hộ môn thú

Tượng chó đá canh cửa tại Đình Cô Giang ở Đà Lạt, đây là ngôi đình thờ các linh vật thuần Việt gồm có hổ và chó và rồng Việt Nam

230px-Japanese_covered-bridge_of_Hoi_An_in_2015_10

Tượng thờ chó đá ở Hội An

Ở Viễn Đông, con chó mang ý nghĩa biểu tượng là bạn gần gũi của con người và canh gác nhà cửa cho con người những cũng bị được xem như một con vật bẩn thỉu và đáng khinh. Ở Nhật Bản, chó là bạn trung thành của người, bảo hộ cho trẻ em và giảm nhẹ sự nhọc nhằn, đau đớn cho các sản phụ, chó (cùng với con khỉ) theo quan niệm của người Nhật là linh vật có khả năng khống chế đối với thuỷ quái gây ra động đất. Chó đá ở nông thôn Trung Hoa có chức năng canh giữ yêu quái vào làng, có làng mang tên làng Chó Đá, chó đá không có vai vế như thần Thổ Địa, không thấy thắp nhang, trẻ con có thể tuỳ tiện cưỡi lên lưng nó.

Con chó nhà được thờ cúng ở một số nơi ở Việt Nam với tư cách là hộ môn thú (thần canh cửa), muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá. Trong tâm thức của người Việt, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn, những con chó bình thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá, dân gian chôn chó đá để xua đuổi tà ma, quỷ quái. Tục thờ này khá phổ biến ở các làng, xã nông thôn của Việt Nam, nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, hoặc đặt chó đá trên bệ thờ hay đặt chó đá trước cổng nhà, đền miếu để đuổi ma quỷ. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ[2].

Ngày xưa núi rừng hoang vu, dân bản thờ chó đá để nó canh thú dữ vào bản hại người. Người Nùng coi chó đá là linh vật, Thờ chó đá nó giữ nhà, nó mang lại may mắn cho mình. Chó đá không những có nhiệm vụ trông coi nhà cửa mà còn có sức mạnh xua đuổi tà khí. Con chó có một vị trí đặc biệt trong đời sống người Cơ Tu, giúp họ đi săn, giữ nhà và làm bạn. Nhà Gươl của người Cơ Tu, tại chân cột có khắc hình mặt trời hướng ra cửa được coi là thần chó, có chức năng bảo vệ nhà gươl. Trên các bộ phận khác nhau của nhà Gươl, hình chó cũng được khắc với nhiều dạng như đôi chó giao cấu, đôi chó cắn vào đầu và đuôi một con trăn.

Ông tổ chó

Ở nhiều nơi, chó được xem là thuỷ tổ huyền thoại của con người, nó hay được xem như một thuỷ tổ hoặc một anh hùng hơi dâm dục và thông thường liên quan đến loạn luân. Người Murut ở bắc Bornéo, chó vừa là tổ phụ huyền thoại vừa là anh hùng khai hoá, là đứa con đầu lòng của quan hệ loạn luân giữa một người đàn ông với em gái duy nhất của mình sống sót sau một cuộc đại hồng thuỷ. Ở Mélanésie chó là thuỷ tổ của một trong bốn giai cấp xã hội. Chó là tổ phụ và biểu trưng của một số bộ tộc, có thể của chính người Hoa vì Bàn Cổ có thể trước đó là một con chó. Người Khuyển Nhung tự xưng tổ tiên là hai con chó trắng (Bạch Khuyển), sùng bái vật tổ chó trắng.

Trong tín ngưỡng của người Cơ Tu, con chó chính là vật tổ của họ. Truyền thuyết Cơ Tu kể rằng, thuở xưa có một trận đại hồng thuỷ tiêu diệt muôn loài, chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cuối cùng hai người lại gặp lại và lấy nhau, sinh ra một quả bầu (có tính chất loạn luân). Từ quả bầu đó, người Cơ Tu, người Bru, người Tà Ôi, người Việt ra đời.

Cotu_nha-goul

Truyền thuyết về ông tổ chó cũng còn thấy ở nhiều dân tộc khác ở Việt Nam như Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô. Cách để tóc mái bằng trước trán theo kiểu chó (à la chien) ở người Cơ Tu, đó là kiểu để tóc thường thấy ở một số nhóm Xê Đăng, Tà Ôi, Bru (các tộc cùng có truyền thuyết về ông tổ chó). Truyền thuyết của người Pa Cô kể lại rằng, bà tổ và ông tổ chó vẫn sống cùng nhau ở nơi đất liền với trời. Ngày nay người Dao vẫn coi mình là con cháu của Bàn Hồ do đó họ có tục thờ chó, trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó và để tóc kiểu chó.

Cõi âm ty

Huyền thoại ở nhiều nước trên thế giới đều liên kết với con chó với Thần Chết, với âm phủ, với hạ giới, với những vương quốc vô hình do các thần âm ty hay thái âm điều khiển. Chức năng huyền thoại đầu tiên của chó, được ghi nhận khắp nơi trên thế giới là chức năng dẫn hồn, dẫn dắt con người trong bóng đêm của cõi chết. Từ chó ngao Cerbère cho đến Thot, Hécate, Hermès, những nhân vật dẫn dắt linh hồn, ở mọi giai đoạn lịch sử văn hoá phương Tây đều mượn bộ mặt của chó. Ở các bộ tộc Đức cổ, có một con tên là Garm, chuyên gác lối vào Niflheim, vương quốc của những người chết.
Một con chó được thờ sống ở Ấn Độ

Người Mêhicô cổ nuôi những con chó (như Xolotl) chuyên để làm bạn đồng hành và dẫn đường cho những người chết sang thế giới bên kia. Người ta chôn cùng người chết một con chó màu sư tử (màu lửa) để hộ vệ người quá cố. Tại Goatêmala, những người da đỏ Lacandon vẫn đặt ở bốn góc mộ của họ bốn tượng chó nhỏ bằng lá cọ. Chòm sao thứ 13 và là cuối cùng trong chòm sao Hoàng đạo Mêhicô là chòm sao Chó, nó dẫn dắt đến những ý niệm về sự chết, sự cáo chung, về thế giới dưới đất nhưng đồng thời cũng về sự khởi đầu, sự đổi mới.

Ở Xibia (Nga), người Gold bao giờ cũng chôn người chết cùng với con chó của người ấy. Tại Iran và Bactriane (Đại Hạ), người ta phó mặc chó cho những người chết, người già và những người mắc bệnh. Ở Bombay Ấn Độ, những người Parsi đặt một chó bên cạnh những người sắp chết, để cho người và chó nhìn vào mắt nhau. Khi một người đàn bà ở cữ chết, người ta đưa ra không phải một mà là hai con chó

Trong quan niệm của người Mường, Gà và Chó đóng vai biểu tượng của Sống (sáng) và Chết (tối) ở hai thế giới đối nghịch nhau trong không gian, đại diện cho các loài sống dưới thấp, trên mặt đất. Con chó ngao đứng canh gác bên kia cầu Nại hà (con sông to như cái vạc) mà dòng chảy bọc lấy điện cuối cùng trong Thập điện họp thành Âm ty. Ngày nay mặc dù không còn phổ biến nữa nhưng trước đây việc dùng chó để tế lễ là một tập quán quen thuộc của người Mường. Ở Mãn Đức, con chó đầu tiên đầu tiên mà người ta nhìn thấy vào nhà sẽ bị xử tội, vùng Mường Vang người ta ưa lựa chọn con chó đen.

Phong tục:

Thờ chó đá

Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam, ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. Tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức: Chôn chó đá trước cổng nhà như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc và đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, thờ phụng.

Trong phong thủy, việc chôn và nuôi chó đá để trước cửa nhà phải tiến hành một cách cẩn thận vì khi đặt chó đá trước cửa nhà, sau này gia chủ muốn gỡ bỏ rất khó, vì đã xác định nuôi chó đá mà bỏ đi sẽ mang nhiều vận đen. Trong khi nhiều công sở, di tích đền chùa sử dụng linh vật ngoại lai để gác cửa thì ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa. Sư tử đá chủ yếu được người Trung Quốc dùng để canh lăng mộ (nhưng nhiều người Việt rước về để coi nhà), trong khi nhiều công sở, di tích đền chùa sử dụng linh vật ngoại lai để gác cửa thì ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa.

Các vùng miền ở Việt Nam còn duy trì tập tục thờ chó đá như vùng Lạng Sơn có nhiều nơi có tục thờ chó đá như: Chi Lăng, Đồng Mỏ, Khòn Lèng, Thất Khê, Tràng Định, Đồng Đăng, Cao Lộc, ngoài ra còn có Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu. Ở Đan Phượng, Hà Tây (cũ) cũng ghi nhận tục thờ này, ở đây có hai nơi thờ phụng chó, một bệ thờ chó đá ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ. Một bệ thờ chó đá khác nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. Dân xã Địch Vĩ kính cẩn gọi đàn chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch. Mỗi khi có việc gì oan khuất, người dân thường đến trước bệ thờ Quan lớn Hoàng Thạch thắp nhang, kêu khấn và thề với nhau với niềm tin được chứng giám, soi xét.

Ở Hà Nội còn ghi nhận các địa danh như ngã tư Trung Hiền có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá. Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ). Ở đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây) hiện vẫn còn một đôi chó đá với vai trò canh giữ. Đền thờ Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch với sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô và xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, Miếu thờ thần Cẩu Nhi vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu. Nơi đây đời nhà Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu, trong văn hóa người Việt, việc thờ chó đá là có thực dù ít được ghi chép.

Sự đa dạng

Ở Việt Nam mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Một số dân tộc Nùng, Tày, Dao sinh sống tại một số huyện Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ tục thờ chó đá. Chó đá là linh vật trừ tà trong nhà của một số dân tộc Nùng, Tày, Dao sinh sống tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình,[7] Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình là nơi có nhiều hộ dân lưu giữ tập tục này, hầu như nhà nào cũng có một chú chó đá canh cổng, được tạc to như chó thật, dáng được ưa thích nhất chính là thế phục mồi, trông coi nhà cửa.

Chó đá Trong tiếng Tày-Nùng đọc là Ma hin, chó đá là vật linh thiêng của người dân tộc Nùng. Người dân địa phương quan niệm chó đá sẽ đem lại may mắn, vì vậy họ không bao giờ ăn thịt chó và luôn coi chó là con vật thiêng liêng nhất để tôn thờ[5] người Nùng Cháo có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Người Nùng ở Cao Bằng thờ chó đá, gọi chó đá với những cái tên kính cẩn như "Quan lớn Hoàng Thạch", "cụ Thạch" và đem thờ cúng trước cửa nhà. Bản Boong Dưới, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, có 273 hộ, tới 90% số hộ thờ chó đá.

Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Dao đỏ trong ngày cưới còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó. Trên trang phục người Dao ta còn bắt gặp hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau. Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết và ăn thịt chó, coi con chó như vật tổ truyền. Người Cơ Tu giờ chỉ còn một số dòng họ như Zrâm Acho (chó), Alang là còn kiêng ăn thịt chó. Họ còn tin rằng thần chó đá có liên quan đến tục cúng máu, khi đi rừng, nếu ai nghe tiếng chó sủa thì phải tìm một hòn đá trắng có hình thù giống chó. Mọi người tin rằng hòn đá đó chính là hiện thân của thần chó đá rơi từ trên trời xuống.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Âm lịch Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Tạo lúc: )
  2. Bài văn khấn cầu thi cử cho sĩ tử (Tạo lúc: )
  3. Văn khấn cầu phúc thọ, giải trừ vận hạn (Tạo lúc: )
  4. Văn khấn cúng Lễ Thượng Thọ (Tạo lúc: )
  5. Văn khấn cúng Lễ động thổ, cất nóc - Xem tuổi xây nhà (Tạo lúc: )
  6. Văn khấn cúng sao giải hạn sao Thổ Tú (Tạo lúc: )
  7. Văn khấn khi cưới gả và chuẩn bị lễ bàn thờ ngày cưới (Tạo lúc: )
  8. Văn khấn lễ cúng đầy cữ (cúng mụ) cho bé (Tạo lúc: )
  9. Văn khấn Lễ Giao Thừa trong nhà và cách sắm lễ cúng bàn thờ (Tạo lúc: )
  10. Văn khấn trước khi lau dọn bàn thờ ngày Tết (Tạo lúc: )

Danh mục