Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Lễ hội Gầu Tào - nét văn hóa dân gian độc đáo của người Mông

Vào dịp đầu xuân, trên khắp các bản làng vùng cao của người Mông, đâu đâu cũng tràn ngập không khí đón xuân. Một trong những lễ hội luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia đó là Lễ hội Gầu Tào (kauv taox), tiếng Mông có nghĩa là "chơi ngoài trời" là lễ hội cầu phúc, cầu mệnh của người Mông. Đây là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc lớn nhất trong năm đối với người Mông.

Gầu tào là một lễ hội độc đáo của người Mông có từ rất lâu đời, luôn được mọi người dân trông chờ nhất vào dịp đầu xuân, tuy nhiên lễ hội này đã nhiều năm không được tổ chức, chỉ trong một vài năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, lễ hội mới được tổ chức trở lại ở một số vùng của người Mông như: Pha Long - Mường Khương; San Sả Hồ - Sa Pa; Phong Liên - Bảo Thắng...

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thầy đồi, thần núi “xanh hấu tào, xanh hấu pề” phù hộ gia đình sinh được người con trai... Gia đình sẽ tổ chức lễ Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.

Toàn cảnh Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai.

Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó, lúc đầu nó chỉ đơn thuần là gắn liền với việc cầu tự “cầu con”, do một gia đình nào đó trong làng đứng lên tổ chức nên chỉ những gia đình giàu có  mới tổ chức được lễ hội này. Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bởi vậy, ngoài ý, nghĩa ban đầu của lễ đã có sự biến đổi. Ngoài việc cầu con, còn cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng..

Tùy từng vùng người Mông mà lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau. Theo truyền thống trước đây của người Mông, lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, nhiều vùng chọn tổ chức vào ngày thìn (rồng) của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước đây, việc tổ chức lễ hội do một gia đình đứng ra nhưng có sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, những người gà làng, trưởng bản. Gia đình sẽ phải nhờ một người có uy tín, kinh nghiệm là chủ lễ. Người chủ lễ sẽ cùng gia đình chọn một người làm chủ cúng; một đội làm nhiệm vụ bảo vệ lễ hội; một đội phục vụ nấu ăn phục vụ anh em về tham dự lễ hội. Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức ở những khu vực đất đai bằng phẳng, rộng rãi, có thể chứa được nhiều người tham gia, thường là tổ chức trên một quả đồi. Trước ngày diễn ra lễ hội, gia đình cử người dựng cây nêu để báo hiệu cho dân làng biết là năm nay ở địa điểm này tổ chức Lễ hội Gầu Tào để mọi người rủ nhau đến dự hội, đồng thời gia đình cử người đi mời anh em ở xa về dự lễ với gia đình. Mọi người trong làng biết tin cũng tự thông báo cho nhau để về xem lễ hội.

Đồng bào dân tộc Mông chuẩn bị dựng cây nêu.

Cây nêu luôn là biểu tượng chính trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông, nó gắn liền với sự linh thiêng do vậy, câu nêu luôn được chọn rất cẩn thận, phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn, đặc biệt là không chọn cây đổ. Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần để xin chặt cây sau đó mới được chặt. Khi chặt không được cây đổ xuống đất, hướng của ngọn cây phải ngả về hướng Đông, trên đường khiêng về đem đi chôn cũng không được đặt cây xuống đất hoặc người khác bước quả.

Trước khi dựng cây nêu, chủ cúng phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần đồi, thần núi xin phép cho gia đình tổ chức Lễ hội Gầu Tào ở đó rồi mới được dựng. Tùy từng vùng người Mông mà họ dựng một cây như vùng người Mông ở Mường Khương, Sa Pa; còn vùng người Mông ở khu vực Yên Minh, Đồng Văn, Hà Giang họ dựng 3 cây. Cây nêu tượng trưng cho chiếc thang đưa lời cúng của các vị thần lên tới trời cao, còn vùng người Mông ở Hà Giang họ dựng ba cây tượng trưng cho ba chiếc cột chống trời. Ngọn của cây nêu bao giờ cũng phải quay về hướng Đông với quan niệm hướng của sự sinh sôi, nảy nở. Trên thân cây nêu họ thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một sâu tiền bạc. Dưới gốc cây nêu họ đặt một chum rượu to để mời anh em về dự lễ hội.

Đến ngày lễ chính, chủ nhà phải mổ gà, mổ lợn hoặc mổ bò tùy theo như lời hứa với vị thần. Theo nghệ nhân Má A Cáng làng Cát Cát, xã San Sả Hồ - Sa Pa, thông thường năm đầu là phải một con lợn, đến năm thứ hai phải mổ ba con, đến năm cuối cùng phải mổ 5 con hoặc mổ một con bò. Sau khi chuẩn bị lễ vật xong, chủ cúng thắp hương cắm dưới gốc cây nêu khấn các vị tổ tiên “nhưng gia đình đã hứa với các vị thần xanh hấu tào, xanh hấu pề giúp đỡ gia đình sinh được người con trai, nay gia đình tổ chức Gầu Tào mời anh em người Mông khắp các vùng về dự. Mời hai vệ thần về nhận lễ rồi phụ hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn được thuận lợi”.

Điệu múa của thiếu nữ người Mông trong lễ hội.

Sau phần lễ chính đến phần hội, với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa độc đáo như: múa khèn, múa sinh tiền, múa gậy, thi bắn nỏ, thi đấu võ, hát giao duyên... Những người tham gia lễ hội phải tuân thủ mọi quy định của ban tổ chức đưa ra. Trong các hoạt động thì múa khèn, biểu diễn võ thuật, múa xinh tiền là các hoạt động sôi nổi và hào hứng nhất, các chàng trai thỏa sức biểu diễn khoe tài của mình. Những người không tham gia thì đứng ngoài vỗ tay, reo hò, cổ vũ làm không khí của lễ hội trở nên nhộn nhịp, hào hứng và không kém phần hồi hộp. Đến khi màn đêm buông xuống là khoảng thời gian dành cho các chàng trai thi thố, thổ lộ tâm tình, tình cảm của mình với người bạn gái qua tiếng đàn môi, tiếng sáo dặt dìu nơi vách đá, hay những lời tâm tình kín đáo qua hát ống.

Đến với lễ hội, trai gái đã có vợ, có chồng họ đều được tự do đi tìm bạn tình của mình mà không bị sự ràng buộc, mọi người được rũ bỏ mọi luật lệ đời thường để tự do sống trong không khí của lễ hội. Kết thúc mỗi cuộc thi, những đôi nào hát hay, hát giỏi, múa khèn giỏi, múa võ giỏi sẽ được gia chủ mời rượu cảm ơn. Lễ hội thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày rồi kết thúc, mọi người lại trở về với cuộc sống sống đời thường, nhưng dư âm của lễ hội vẫn còn vang vọng mãi trong tâm tưởng của những người dự lễ hội. Họ chia tay nhau trong sự luyến tiếc nghẹn ngào gửi vào lời bát hát, vào chén rượu mặn nồng và thầm hẹn gặp lại vào mùa lễ hội năm sau.

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Xem ngay chia sẻ hay khác

  1. Tử vi tuổi Dần năm 2018 (Tạo lúc: )
  2. Tử vi tuổi Hợi năm 2018 (Tạo lúc: )
  3. Tử vi năm 2018 của cung Bọ Cạp (Tạo lúc: )
  4. Tử vi năm 2018 của cung Cự Giải (Tạo lúc: )
  5. Tử vi năm 2018 của cung Kim Ngưu (Tạo lúc: )
  6. Tử vi năm 2018 của cung Ma Kết (Tạo lúc: )
  7. Tử vi năm 2018 của cung Song Ngư (Tạo lúc: )
  8. Tử vi năm 2018 của cung Xử Nữ (Tạo lúc: )
  9. Âm lịch Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Tạo lúc: )
  10. Các ngày lễ, ngày tết ở Việt Nam - lễ được nghỉ và đi làm trong năm (Tạo lúc: )

Danh mục